Người dân lĩnh đủNam Từ Liêm là một trong những quận có nhiều dự án hạ tầng giao thông đang triển khai nhất của Hà Nội. Tuy nhiên, vai trò quản lý, giám sát quá trình thi công đối với không ít dự án của chính quyền quận, phường lại đang bỏ ngỏ. Đơn cử như dự án cải tạo mở rộng đường Sa Đôi, phường Đại Mỗ, do Ban QLDA quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư; hai nhà thầu thi công là: Công ty CP Đầu tư CIC và Công ty CP Đầu tư & xây dựng Hải Ánh.
Chính quyền địa phương là cơ quan quản lý, giám sát gần nhất đối với việc thi công các dự án hạ tầng. Nếu chính quyền không im lặng, không lơi là công tác quản lý, giám sát, sẽ không một nhà thầu nào dám làm ẩu, gây khổ cho người dân.Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng |
Ghi nhận thực tế tại dự án đường Sa Đôi cho thấy, trong quá trình thi công, các nhà thầu đã không tuân thủ quy định tối thiểu về đảm bảo ATGT cũng như vệ sinh môi trường. Cả tuyến đường dài hơn 1,5km luôn chìm trong bụi bặm, ngột ngạt. Mặt đường bị đào khoét nham nhở, gồ ghề. Có những vị trí xuất hiện hố sâu tới 2m nhưng rào chắn sơ sài hoặc không rào chắn, không có cảnh báo nguy hiểm; tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn.
Hay như tại huyện Quốc Oai, quá trình thi công tuyến đường đê Phượng Cách, đoạn qua xã Yên Sơn cũng được người dân trong khu vực nhìn nhận là quá cẩu thả, chủ đầu tư và nhà thầu thiếu trách nhiệm. Ngày nắng cả tuyến đường mịt mù trong bụi bẩn, xe tải hạng nặng vẫn thường xuyên lưu thông qua, gây bất an cho người dân.
Không chỉ các dự án giao thông, một số dự án hạ tầng thông tin, kỹ thuật, cũng làm khổ người dân. Ví dụ, tại quận Hoàn Kiếm, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép cho Công ty Điện lực Hoàn Kiếm; Ban QLDA hạ tầng 1 (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone); Ban QLDA Công trình thông tin 1 (Viễn thông Hà Nội) được phép cải tạo đường dây hạ áp và xây dựng tuyến cống, bể phục vụ hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông. Thế nhưng, việc hoàn trả lòng đường lại nham nhở, gây sụt lún, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT. Thậm chí, đến ngày 25/6 vừa qua, Giấy phép thi công của các đơn vị nêu trên đã hết hạn nhưng vẫn chưa hoàn trả xong mặt đường.
Phớt lờ dư luậnKhông chỉ thờ ơ trong quản lý, giám sát, chính quyền địa phương một số nơi còn lờ luôn cả trách nhiệm thông tin, phản hồi đến người dân, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình, tại dự án cải tạo, mở rộng đường đê Phượng Cách, trước phản ánh của người dân, ông Doãn Ngọc Anh - cán bộ Ban QLDA huyện Quốc Oai khẳng định: “Tôi không quan tâm đến việc người nào phản ánh”. Ông Doãn Ngọc Anh trao đổi thêm: “Tôi có đến hiện trường thi công, nhưng không thấy gì là mất vệ sinh môi trường, mất ATGT cả”. Khi phóng viên đặt câu hỏi về xe quá tải lưu thông trên đường đê Phượng Cách, ông Doãn Ngọc Anh thừa nhận vẫn có xe quá tải trọng đi qua đây nhưng “thực ra không cấm được”(?).
Đối với dự án đường Sa Đôi, dù đã liên hệ, đặt câu hỏi và chờ đợi nhiều ngày, đến nay, Kinh tế & Đô thị vẫn chưa được UBND quận Nam Từ Liêm phản hồi. Liệu có hay không việc chính quyền địa phương thờ ơ trước thực trạng khổ sở của người dân khi hàng ngày phải vật lộn trên tuyến đường gập ghềnh, nguy hiểm này?
Tương tự, Kinh tế & Đô thị cũng đã phản ánh hiện trạng thi công thiếu trách nhiệm, làm hư hỏng mặt đường Trần Khánh Dư đến lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm. Nhưng đến nay, tình hình chưa có chuyển biến gì và chính quyền địa phương vẫn im hơi lặng tiếng.