Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Còn nhiều khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, TP đã triển khai Quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn TP.

Mặc dù TP đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia, song trong quá trình thực hiện, các địa phương, DN vẫn gặp không ít trở ngại

Nhiều vướng mắc

Hiện nay, Thanh Trì là huyện duy nhất của TP đã xóa được hoàn toàn các điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong khu dân cư. Cơ sở giết mổ (CSGM) công nghiệp tại xã Vạn Phúc hoạt động rất hiệu quả, với công suất 1.600 con/ngày. Đầu tư xây dựng CSGM này, Công ty TNHH Thịnh An được hỗ trợ theo Quyết định 16 của UBND TP, song hiện nay, do số lượng giết mổ lớn nên cơ sở đã có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, mong muốn của huyện và Công ty là được TP quan tâm, hỗ trợ kinh phí để cơ sở nâng cấp thiết bị. Đặc biệt là hỗ trợ xe vận chuyển chuyên dụng từ lò mổ ra khu vực trung tâm TP và hỗ trợ xây dựng trạm xử lý chất thải sau giết mổ.
Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 5 CSGM, nhưng thực tế chỉ có 3 cơ sở đang hoạt động. Khó khăn các CSGM đang gặp là do vướng về cơ chế chính sách, một số điểm quy định trong Luật Đất đai năm 2013. "Đáng lưu ý, mặc dù huyện đã linh hoạt trong việc thực hiện các phương án tạo điều kiện cho các hộ tham gia vào CSGM, song do nhận thức của người dân còn hạn chế nên tình trạng gia cầm lông được giết mổ ngay tại các chợ vẫn vô tư diễn ra" - ông Phùng Xuân Việt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm bày tỏ. Còn tại huyện Thanh Oai, năm 2012, huyện được TP phê duyệt xây dựng khu giết mổ GSGC tại xã Bình Minh với diện tích 4,4ha. Dự án có tổng kinh phí 110 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới được giải ngân một nửa số vốn và mới hoàn thành GPMB.Bên cạnh những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng mới các CSGM tại các huyện ngoại thành, một số DN trên địa bàn đã được TP hỗ trợ sớm, đi vào hoạt động được vài năm nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử, Công ty TNHH Minh Hiền tại Khu công nghiệp Bích Hòa (Thanh Oai) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng CSGM tập trung nhưng hiện nay mới có hơn 20 hộ giết mổ nhỏ lẻ tham gia hoạt động. Hay như huyện Đan Phượng, CSGM tập trung bán công nghiệp (do Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm Foodex đầu tư) nhưng hoạt động rất cầm chừng với công suất 15 con/ngày, trong khi 3 CSGM tập trung thủ công ở Tân Hội vẫn hoạt động mạnh với công suất 150 con lợn/ngày (tương đương 11,2 tấn/ngày).

Điều chỉnh chính sách, thêm cơ chế hỗ trợ 
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn TP có 6 CSGM công nghiệp, 14 CSGM tập trug bán công nghiệp, 5 khu giết mổ tập trung thủ công, 2.490 điểm, hộ giết mổ GSGC trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các sản phẩm thịt của các CSGM vẫn không cạnh tranh được trên thị trường do chi phí giết mổ còn cao dẫn đến giá thành cao. Việc các DN không mấy mặn mà do chi phí đầu tư CSGM lớn, khấu hao cao. Đây là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến các CSGM hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, việc triển khai các khu giết mổ tập trung tại các huyện còn chậm do nhiều huyện bố trí địa điểm xây dựng chưa hợp lý với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Xã Hữu Văn (Chương Mỹ) là một ví dụ mặc dù xã có quỹ đất rộng. "Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các CSGM tập trung theo quy hoạch tại các huyện; đầu tư xây dựng chợ đầu mối GSGC. Như vậy, sẽ hạn chế được việc chuyên chở động vật sau giết mổ bằng xe máy từ các huyện ngoại thành vào trung tâm TP" - ông Đỗ Phú Sơn - Chi Cục phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội nói.

Theo ông Nguyễn Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện nay, số CSGM triển khai, hoạt động theo chính sách hỗ trợ của TP còn ít. Điều này thể hiện rõ trong việc giải ngân còn khá khiêm tốn. Năm 2014, Sở Tài chính chỉ giải ngân được 10 tỷ đồng, quý I/2015 giải ngân 28 tỷ đồng. Theo Quyết định 16 của UBND TP, đến hết năm 2016, chính sách hỗ trợ đối với giết mổ GSGC sẽ kết thúc. Vì vậy, để chính sách ổn định và phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, TP cần xây dựng giai đoạn tiếp theo hoặc chỉnh sửa một số điểm của chính sách. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cũng cần cân nhắc kỹ, tránh tình trạng một số cơ sở chỉ hoạt động tốt trong năm đầu nhận được kinh phí hỗ trợ.

Như vậy, để các CSGM công nghiệp hoạt động hết công suất, TP cần có chính sách hỗ trợ DN vay vốn lưu động. Bởi chỉ khi nào giảm được giá thành chi phí/đầu con thì mới thu hút được các DN đầu tư vào các CSGM. Mặt khác, TP cần nắm bắt, dự báo được tình hình thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Đối với các DN nên thực hiện các giải pháp linh hoạt để nâng cao sức cạnh tranh.