Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý, khai thác chợ: Còn nhiều khó khăn, bất cập

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động của chợ dân sinh đang đối mặt với nhiều khó khăn, các mô hình chuyển đổi quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cũng chưa hiệu quả.

Đó là thực tế được chỉ ra qua đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP về quản lý và phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP vừa qua.

Hộ kinh doanh “thờ ơ”
Trong số những đơn vị được Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát, quận Đống Đa và Tây Hồ đã thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ khá tốt về số lượng. Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai quận đều phản ánh thực trạng không ít khó khăn tại các chợ sau chuyển đổi.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP khảo sát tại chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Ảnh: Minh Hiền

Quận Đống Đa đã chuyển đổi được từ Ban quản lý (BQL) chợ sang mô hình DN, HTX quản lý tại 6 chợ. Tuy thành công về số lượng, nhưng chưa có mô hình mới thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển chợ hiện nay. Hầu hết các DN, HTX sau khi được giao quản lý, kinh doanh chưa có giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ. Như Trưởng phòng Kinh tế quận Lưu Thị Thuý Vân cho biết: Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, nhìn chung, cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, cấp thoát nước… vẫn trong tình trạng chắp vá, xuống cấp không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, VSMT… Người dân cũng như các hộ kinh doanh cũng thờ ơ với mô hình chợ mới, các DN thì kêu lỗ.
Cũng đưa ra không ít khó khăn vướng mắc sau khi chuyển đổi mô hình quản lý tại 5 chợ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhận định: Duy nhất chợ Bưởi sau chuyển đổi thực hiện xây mới, còn lại 4 chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng nên khó thu hút tiểu thương và khách hàng. Đặc biệt, chợ Nhật Tân sau sự cố cháy vào tháng 12/2014, quận đã kiểm tra, nhắc nhở yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, đảm bảo an toàn cho hộ kinh doanh, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, hiện tại cũng không có phương án đầu tư mới…
Chợ Bưởi tuy được xây mới, nhưng không còn đông đúc, sầm uất như trước, nhiều ki ốt bỏ trống. Tại quận Hoàng Mai, chợ dân sinh Thanh Trì có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn thành cũng không thu hút được các hộ kinh doanh do vị trí không thuận lợi cho việc mua bán. Đây cũng là thực trạng của không ít dự án sau khi được xây mới như chợ Nghệ, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cầu Bươu... Điều đáng nói, không ít trường hợp ngay cạnh đó lại là những chợ tự phát, chợ tạm mọc lên.
Tiềm ẩn mối lo
Thực trạng xuống cấp, khó khăn trong thu hút đầu tư cũng là một thực trạng đáng lo ngại được chỉ ra qua giám sát. Như thống kê của Sở Công Thương, hiện có đến 224 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm. Tại các huyện, do khó thu hút đầu tư, nên chủ yếu là ngân sách hỗ trợ và huy động từ các thương nhân kinh doanh trong chợ để cải tạo sửa chữa và xây dựng. Tại một số chợ nội thành cũng gặp phải tình trạng chợ xuống cấp nhưng chưa thể đầu tư nâng cấp. Như với chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) xây dựng đã được 30 năm, hạ tầng xuống cấp không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, VSMT, mỹ quan đô thị. Nhiều hộ kinh doanh đã bỏ chợ bởi kinh doanh không hiệu quả.
Cùng với đó, tình trạng mất ATTP, không truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả, xả rác bừa bãi, tình hình an ninh trật tự cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Con số do Sở Công Thương đưa ra cho thấy, qua kiểm tra thực tế và tổng hợp từ các quận, huyện, đến nay chỉ có 52/454 chợ thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường. Các chợ này chủ yếu là chợ hạng 1, 2 tại nội thành. Tình trạng rác ùn ứ, bốc mùi vẫn diễn ra khá nhiều. Đó là những mối lo được chỉ ra qua thực tế giám sát rất cần sự vào cuộc của các ngành và địa phương để tháo gỡ. 
Cần rà soát quy hoạch mạng lưới chợ. Không cần thiết xã, phường nào cũng có chợ, mà phải kiểm định, đánh giá sát thực tế theo nhu cầu, thói quen của người dân khu vực để quy hoạch, xây mới hoặc nâng cấp chợ; tránh làm quy mô lớn, cung lớn hơn cầu, không khai thác hết sẽ gây lãng phí…
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP  Phạm Thị Thanh Mai

Các quận, huyện cần phải chủ động khảo sát quy mô dân số, nhu cầu tại từng khu vực, lựa chọn quy mô chợ cho phù hợp để xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhằm phục vụ tốt vấn đề dân sinh và tiêu dùng. Tránh xảy ra tình trạng có chợ nhưng không có người đến mua bán, hay khó khăn khi giải tỏa các tụ điểm chợ cóc.
Giám đốc Sở Công Thương  Lê Hồng Thăng