Đặc biệt, Quy chế đã đề xuất không gian vùng đệm có quy mô 55,7ha nhằm bổ trợ chức năng, bổ sung hạ tầng cho khu vực phố cổ, đồng thời, phân vùng nhằm xác định khu vực tập trung bảo tồn và khu vực được xem xét xây dựng.
Vừa bảo tồn, vừa tìm quỹ đất cho hạ tầng
Quy chế đề xuất các không gian đặc trưng, giá trị của khu phố cổ cần được bảo tồn, gìn giữ như các tuyến phố chính, không gian mở, khu phố đặc trưng với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số. Để xác định vùng bảo tồn tôn tạo và vùng kiểm soát phát triển của khu phố cổ, Sở QH - KT đã căn cứ vào giá trị về không gian, cấu trúc quy hoạch đặc thù, trên cơ sở rà soát các loại hình công trình có giá trị và để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu phố cổ, để đề xuất hai vùng với mục tiêu cụ thể.
Quy chế quy hoạch kiến trúc nêu rõ ranh giới từng khu vực phố cổ để bảo tồn và phát triển. Trong ảnh: Một góc phố Hàng Buồm. Ảnh: Linh Anh
Theo đó, vùng 1 có quy mô 28ha có mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, quản lý hạn chế xây dựng. Vùng 2 có quy mô 54ha với mục tiêu phát triển, kiểm soát chức năng. Việc phân vùng này sẽ xác định rõ các khu vực cần tập trung bảo tồn và các khu vực được xem xét xây dựng, nhằm ổn định hình thái chung khu vực và khắc phục tình trạng công trình xây dựng lộn xộn như hiện nay.
Căn cứ quy hoạch chung, quy hoạch các khu vực liền kề, Quy chế đề xuất vùng phụ cận có quy mô 55,7ha, gồm hai không gian. Không gian vùng phụ cận quy mô 10,7ha bao gồm không gian từ ranh giới khu phố cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến phố, đường bao xung quanh, nhằm kiểm soát không gian hài hòa giữa khu phố cổ với khu vực liền kề.
Không gian khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài của khu phố cổ có quy mô 45ha bao gồm hai phường ngoài đê Phúc Xá, Chương Dương ở phía Đông, không gian ngầm Công viên Vạn Xuân ở phía Bắc và phố Lý Nam Đế ở phía Tây khu phố cổ. Việc xác định không gian khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng nhằm xác định các khu đất dự trữ cho việc hỗ trợ các chức năng còn thiếu và yếu trong khu phố cổ như trường học, bến bãi đỗ xe. Quy chế cũng cập nhật và đưa ra cách ứng xử phù hợp với các nội dung hạ tầng kỹ thuật mới như đường sắt đô thị và hướng tới việc tổ chức đi bộ trong khu phố cổ.
Khó vì… “đi trước” quy hoạch phân khu
Theo phân tích của Sở QH - KT, việc lập Quy chế đang vướng phải một số khó khăn. Kết quả khảo sát đo đạc tổng thể hiện trạng khu phố cổ hiện nay có quy mô đo theo ranh giới không phải 100ha như quy hoạch đã phê duyệt trước đây mà thực tế chỉ khoảng 82ha.
Vì vậy, Sở QH - KT đề nghị, cần phải tiến hành ngay công tác khảo sát đo đạc, lập bản đồ hiện trạng để có số liệu chính xác, làm cơ sở cho thiết kế Quy hoạch phân khu khu phố cổ Hà Nội. Về nguyên tắc và theo ý kiến Bộ Xây dựng, việc lập Quy chế phải dựa trên cơ sở quy hoạch và thiết kế đô thị được duyệt.
Thực tế, việc lập Quy chế hiện đang được tiến hành trước khi thiết lập quy hoạch phân khu, dẫn đến có thể phải điều chỉnh Quy chế sau khi đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.Quy chế lần này được xây dựng trên cơ sở rà soát Điều lệ tạm thời về Quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội, nhằm đảm bảo tính khả thi, sát với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phố cổ, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Điều lệ trong 13 năm thực hiện.
Trên thực tế, khu phố cổ đã có nhiều biến động, thay đổi không khớp với những dữ liệu, số liệu nêu tại Điều lệ trước đây như: Công trình di tích được bảo tồn, tôn tạo, công trình kiến trúc giá trị đã bị phá hoại hoặc xuống cấp, các khu vực được phân loại theo cấp độ bảo tồn I, II cũng biến dạng về hình thái không gian, kiến trúc…
Trong khi đó, dự án điều tra khảo sát các công trình có giá trị trong khu phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành lại chưa có kết quả phê duyệt. Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, cần lập sa bàn mô hình khu phố cổ tỷ lệ 1/200. Tuy nhiên, Sở QH - KT cho rằng, trong điều kiện quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị chưa được triển khai, phê duyệt, việc lập mô hình thực sự khó khăn và chưa phù hợp.