Nhiều vướng mắc về trật tự giao thông đô thị
Phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri các quận, huyện: Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm… đều nhận định, hiện nay áp lực về giao thông trên địa bàn TP rất lớn, ùn tắc vào giờ cao điểm gia tăng, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, không có bãi để xe tĩnh, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố kinh doanh buôn bán khiến cho khó khăn về giao thông chồng chất. Cử tri đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo thực hiện phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý lòng đường và thoát nước cho một đầu mối, thuận tiện cho công tác tiếp nhận duy tu duy trì, sửa chữa khi có sự cố.
Đối với những khó khăn về kêu gọi nhà đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh, cử tri đề nghị TP xem xét có cơ chế chính sách đặc thù đối với các Nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa khi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng. Cử tri cũng đặt câu hỏi về tiến độ thi công công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bùi Danh Liên cho rằng, đất lòng đường vỉa hè là của Nhà nước hoặc cơ quan quản lý, tùy theo từng tuyến phố, quận, huyện có nhiệm vụ cho thuê. Khi cho thuê phải xác định diện tích, giá cả, thời gian thuê, quy chế thuê, trách nhiệm của các bên… Bên thuê phải ký hợp đồng thuê và thanh toán kinh phí thuê lòng đường vỉa hè cho quận, huyện theo Luật Ngân sách (nghiêm cấm việc mua đi bán lại hợp đồng), người thuê phải là người cư trú tại phường, quận có diện tích cho thuê.
Cử tri cũng đề nghị, đã đến lúc TP cần xã hội hóa các bến xe của Nhà nước, giao các bến xe nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển để tăng chất lượng và công suất phục vụ. Đồng thời, cử tri đề nghị sắp xếp lại lực lượng Thanh tra giao thông, rút bớt lực lượng này về tăng cường cho các quận, huyện quản lý để giúp các địa phương quản lý xe tư nhân, thu thuế khoán kinh doanh vận tải, xử lý xe giả danh hợp đồng, xe dù bến cóc...
Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở QH-KT Phạm Quốc Tuyến cho biết, quá trình triển khai quy hoạch hạ tầng giao thông, TP ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với nhiệm vụ trung hạn 2021-2025, trên cơ sở đó triển khai thực hiện và bố trí nguồn vốn. Trong quá trình triển khai quy hoạch thì thực hiện theo các quy định của luật cũng như các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thì tất cả hạ tầng về giao thông vận tải và tính toán các chỉ tiêu đáp ứng của các đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện do nhu cầu phát triển đô thị, do nhu cầu phát triển đột biến của loại phương tiện như ô tô, xe máy, 2 loại phương tiện này kết hợp với xác định nguồn vốn đầu tư cho kỳ trung hạn thì cơ bản không theo kịp tốc độ phát triển đô thị. Quá trình tổ chức thực hiện TP nỗ lực triển khai mạng lưới giao thông trên trục đường vành đai, trục hướng tâm khép kín và tổ chức xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe. Tuy nhiên, tiến độ triển khai và tình hình thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị so với mạng lưới giao thông đường bộ.
Còn theo Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Phi Thường, TP có khoảng 10 triệu dân, phương tiện giao thông tăng nhanh, nên dù thời gian qua, TP quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các chỉ tiêu không đạt về diện tích dành cho giao thông còn xa so với mục tiêu, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1%. Giao thông công cộng TP cũng đặt ra trọng tâm, nhưng mới đạt 19,05%.
Năm 2022, TP có 35 điểm ùn tắc giao thông, ngành đã nỗ lực xử lý được 8 điểm, thì lại phát sinh thêm 10 điểm... do kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp, các tuyến vành đai đang triển khai, chưa hoàn chỉnh... Về giao thông tĩnh, do cơ chế chính sách, cách thức triển khai thực hiện, nên dù trên địa bàn có 1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đã được phân cấp cho các quận huyện quản lý nhưng chỉ có 57 bãi đỗ xe được thực hiện đang khai thác; 66 dự án đang triển khai; 73 bãi đỗ xe ngầm chưa được thực hiện.
Với một số kiến nghị cụ thể của cử tri, Giám đốc Sở GT-VT tiếp thu, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem vướng ở đâu báo cáo UBND TP chỉ đạo tháo gỡ. Giải pháp mạnh cho lĩnh vực xử lý vi phạm an toàn giao thông hiện nay là triển khai mạnh mẽ việc gắn camera phạt nguội, sẽ nâng cao ý thức người dân.
Trả lời ý kiến cử tri, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, Hà Nội hiện chỉ đường bộ và 1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, trong khi hơn 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, chưa tính đến các phương tiện của đơn vị quân đội và các tỉnh về Hà Nội giao thoa kinh tế. Tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương kéo dài chung cư san sát, đồng bộ giờ cao điểm người dân ra đường, dẫn đến ùn ứ. Tuyến vành đai 2 qua đường Trường Chinh, cần quy hoạch đồng bộ từ cầu Vĩnh Tuy lên hết đường Láng, quận Cầu Giấy nhưng đến Ngã Tư Sở lại ùn ứ như cái phễu...
Đại tá Trần Đình Nghĩa cũng đề nghị lãnh đạo TP quan tâm đầu tư quỹ giao thông tĩnh đề đầu tư bến bãi. Khi triển khai cần đồng bộ cùng lúc từ điện, nước, cáp ngầm... để tránh tình trạng làm xong đường lại đào thi công nước, điện gây ùn tắc. Cùng đó, TP nên tính toán mật độ quy hoạch kiến trúc gắn với quy hoạch giao thông đồng bộ; đầu tư vào công nghệ, gắn camera giám sát để quản lý giao thông ở các điểm, giảm sức người.
Cần đánh giá, nhận diện kỹ về thực trạng
Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, vấn đề giao thông nói chung và trật tự an toàn giao thông, vấn đề lòng đường hè phố hiện nay diễn ra ở khu vực đô thị và ngoài khu vực đô thị đều rất phức tạp, phải kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay TP mới quản lý được giao thông động, phần giao thông tĩnh vẫn rất khó, theo quy hoạch giao thông tĩnh phải đảm bảo 4% nhưng hiện nay mới đạt 0,7-0,8%. Vì thế, các quy định đỗ xe tạm dưới lòng đường vỉa hè đang diễn ra, đây cũng là "vấn nạn" chung ở các thành phố lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT và Thành ủy Hà Nội về quản lý lĩnh vực giao thông, TP Hà Nội đã triển khai 6 giải pháp trọng tâm: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường phát triển ưu tiên vận tải hành khách công cộng; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
UBND TP kiến nghị HĐND TP hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải phục vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 theo quy định. Dự kiến tháng 6/2024, TP Hà Nội sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ quy định điều chỉnh chung quy hoạch chung Thủ đô với tầm nhìn lớn, có giải pháp tháo gỡ khả năng thiết lập hệ thống giao thông toàn TP. Cùng với đó, UBND TP sẽ tập trung cao độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh.
Liên quan hệ thống vận tải hành khách công cộng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP chỉ có giao thông đường bộ nổi còn giao thông tĩnh chưa có, đường sắt đô thị thấp. Để phát triển giao thông tĩnh, cần tháo gỡ ách tắc về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư.
Với câu hỏi về tiến độ đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bao giờ hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND cho biết, TP đặt lộ trình chạy thử vào tháng 12/2023 và dự kiến vận hành chính thức vào 30/4/2024. Khi đi vào hoạt động sẽ tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng và đạt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30% vào năm 2025.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, nội dung tiếp xúc cử tri là vấn đề rất quan trọng đối với một đô thị lớn như Hà Nội. Đây là lĩnh vực khó được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, Thành uỷ, HĐND, UBND đã có nhiều chỉ đạo lĩnh vực này; nhiều công trình, dự án lớn được triển khai hoàn thành phục vụ nhu cầu của người dân như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, việc quản lý, tổ chức giao thông cũng còn những tồn tại hạn chế cần đánh giá, nhận diện kỹ về thực trạng để có giải pháp khắc phục từ thực tiễn, trong đó chú trọng các giải pháp quy hoạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cơ chế chính sách; phân cấp; thu hút đầu tư… Bên cạnh đó, TP cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực giao thông, đặc biệt là quản lý lòng đường, vỉa hè. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong Nhân dân về việc chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện kỷ cương, kỷ luật về giao thông.
Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, với đô thị lớn như Hà Nội, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, phương tiện tăng, vì vậy đề nghị Sở GT-VT phối hợp với các hiệp hội vận tải rà soát, đánh giá phương tiện, để tham mưu với UBND TP các giải pháp xử lý.
Đánh giá các ý kiến phát biểu của cử tri và trao đổi của lãnh đạo sở, ngành rất tâm huyết, xác đáng, thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng hợp đầy đủ các ý kiến, cả ý kiến bằng văn bản để trả lời cử tri theo đúng quy định.