Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử: Nhiều lỗ hổng

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, qua rà soát, đơn vị đã phát hiện hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, từ việc phát hiện đến quản lý và cuối cùng là thu thuế vẫn còn nhiều “lỗ hổng” do nhiều khâu còn lỏng lẻo và thiếu chế tài cụ thể.

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng giả tại phố Vũ Ngọc Phan. Ảnh: Hoài Nam
Bài toán khó
Ở Việt Nam, thời gian gần đây TMĐT đã phát triển mạnh dưới hình thức mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện truyền hình, website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy, qua rà soát, Tổng cục Thuế đã thông báo cho Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Cục Thuế Hà Nội hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh TMĐT.

Trước thực tế này, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, do cơ quan Thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng này.
Đặc biệt, trong bối cảnh các loại hình kinh doanh qua mạng đang có xu thế bùng nổ nhanh chóng. Hơn nữa, cho dù cơ quan Thuế có quản lý được đầu nguồn thông tin thì việc giám sát nguồn thu và thu thuế cũng đang gặp khó do sự phối hợp giữa cơ quan Thuế với các ngân hàng cũng như các nhà mạng thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ, bài bản.

Một luật không giải quyết được tận gốc vấn đề

Theo Tổng cục Thuế, về cơ chế, chính sách, Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và cho phép cơ quan Thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT, thông qua các điểm trọng yếu như: Cơ chế tự khai - tự nộp; nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).

Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử nói chung và TMĐT nói riêng, đồng thời vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thu thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực, thì cần phải có các quy định cụ thể và các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.
“Lỗ hổng quản lý phía cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng như sự phối kết hợp giữa các nhà mạng, cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng”.

PGS. Đinh Trọng Thịnh
Chính vì vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online, đảm bảo để người nộp thuế có điều kiện tiếp cận và bắt kịp với TMĐT. Đồng thời, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng việc sửa đổi một luật có thể khắc phục ngay tình trạng khó quản lý và thất thu thuế đối với TMĐT.

Theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, hiện rất nhiều người kinh doanh cũng như các DN nhỏ và vừa khai thác hạ tầng mạng thông qua các kênh như Google, Facebook… để thực hiện hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, vai trò Nhà nước không phải ngăn cấm, hạn chế, mà là khuyến khích các DN phát triển, song vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng chức năng quản lý thuế.

Đại diện VCCI cũng thừa nhận, việc thu thuế của các mô hình này còn rất nhiều khó khăn do chưa thể tìm được cách hiểu đúng và thống nhất về mô hình kinh doanh mới này. Đơn cử như về Grab, dù thương hiệu này đã thực hiện mô hình thí điểm 2 năm vừa qua song vẫn có cách hiểu khác nhau không chỉ giữa các đơn vị kinh doanh mà ngay cả trong Chính phủ, giữa các bộ như Bộ GTVT, Bộ Tư pháp hay cơ quan liên quan.
Ông Tuấn cũng cho rằng, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, cần phải sửa nhiều luật mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Đồng thời, phải có quy định hạn chế không dùng tiền mặt và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước mới quản lý tốt người nộp thuế.