Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý tiền ảo: Cần khung pháp lý rõ ràng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

 TS Nguyễn Trí Hiếu
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị,TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đã đến lúc phải thừa nhận rằng, ngân hàng số, tiền số hay các sản phẩm ngân hàng số sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý có thể không khuyến khích nhưng cũng không thể cấm các sản phẩm, dịch vụ này ra đời mà chỉ có thể nghiên cứu kỹ để đưa ra hành lang pháp lý phù hợp. 
Phức tạp, nhiều biến tướng

Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo. Đến nay, sau 2 năm, khung pháp lý vẫn chưa hình thành. Phải chăng, sự chậm trễ này dẫn đến những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo như đã thấy?

- Trong làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ có robot, trí tuệ nhân tạo, blockchain cùng với tiền ảo, tài sản ảo cũng là những xu hướng lớn đang nổi lên. Nói chậm trễ về thời gian là đúng nhưng nói về khó khăn có quy định của pháp luật, thì đây là vấn đề phức tạp vì đồng tiền dựa vào CNTT hiện đại, từ trước đến giờ mình chưa có một loại đồng tiền như vậy. Dù không được chấp nhận như phương tiện thanh toán nhưng người ta đã dùng nó để trao đổi mua bán, thậm chí đầu tư. Vì tính chất phức tạp của nó, cũng cần có thời gian để thu thập, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và đi đến một quy định về pháp luật cho chuẩn mực.
Trên thực tế, thế giới tiền ảo đang tồn tại những vấn đề mà hoạt động quản lý rất khó đụng đến. Ranh giới giữa phương tiện thanh toán bằng đồng tiền được quốc gia chấp nhận và thanh toán bằng những loại tài sản (hàng đổi hàng) rất mong manh. NHNN nói không công nhận là phương tiện thanh toán, không phải là tiền, nhưng người ta vẫn dùng để trao đổi với nhau dưới dạng “hàng đổi hàng” mà không ai bị xử lý, tạo ra lỗ hổng, hệ lụy cho những người dân tham gia giao dịch.
 Nhân viên Ngân hàng thế giới giới thiệu đến khách hàng những dịch vụ ngân hàng số. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện có 3 xu hướng các nước trên thế giới áp dụng với tiền ảo, tài sản ảo: Thứ nhất là thả nổi; thứ hai là không thừa nhận tài sản ảo, tiền ảo và cấm sử dụng hay giao dịch; thứ ba là cho phép sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, đồng thời có hướng dẫn các vấn đề liên quan. Quan điểm của ông thế nào nhất là đối với hoàn cảnh như Việt Nam hiện tại?

- Tôi ủng hộ phương án thứ ba là cho phép sử dụng nhưng trong một khuôn khổ, một giới hạn trong không gian các dịch vụ kinh doanh như các sàn giao dịch chẳng hạn và có sự kiểm soát, thanh tra. Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những xu hướng của đồng tiền điện tử tương đối phổ biến, nên công nhận nó là một loại hàng hóa, tài sản. Theo đó, những công ty lưu trữ và giao dịch phải được kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến Nhà nước có thể kiểm soát, thu thuế từ các giao dịch tiền ảo, hơn là thả nổi mà không kiểm soát được và cấm cũng không thể cấm được vì nó giao dịch trong hệ thống điện toán… Tiền ảo không chỉ gia tăng mạnh mà còn biến tướng sang nhiều hình thức khác.

Nếu cho phép như vậy có ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ của Việt Nam hay không?

- Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ của Việt Nam, bởi nếu xem tiền ảo như một đồng tiền để trao đổi, thanh toán thì cung tiền sẽ thay đổi theo lượng đồng tiền đó được lưu hành ra ngoài, thành ra chính sách tiền tệ sẽ bị tác động mạnh. Nhưng giữa hai chọn lựa là mình không kiểm soát được và kiểm soát trong giới hạn nào đó thì có lẽ việc kiểm soát trong giới hạn sẽ tốt hơn. Theo đó, thứ nhất để kiểm soát tất cả các trung tâm giao dịch của đồng tiền này, ít nhất là kiểm soát về mặt hợp pháp của trung tâm đó. Thứ hai, NHNN nên có chính sách kiểm soát số lượng lưu hành của đồng tiền đó như thế nào, tất cả các trung tâm giao dịch đồng tiền này phải báo cáo lên NHNN về số lượng giao dịch trên hệ thống. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể đưa ra các biện pháp chế tài hạn chế lưu thông, ví dụ như trong giao dịch bất động sản chẳng hạn không được phép sử dụng đồng kỹ thuật số.

Tránh đầu tư trước khi có luật định

Để quản lý việc nhập khẩu và sử dụng máy đào tiền ảo, các cơ quan quản lý cần có biện pháp gì và ông có lưu ý gì đối với nhà đầu tư?

- Tôi nghĩ là không hiệu quả, không thể cấm tuyệt đối được. Trong nước có hàng nghìn máy đào tiền ảo đang hoạt động. Họ có thể nhập máy tính nào đó xong rồi chế ra để tăng công sức của nó, thành ra cấm nhập khẩu không phải là biện pháp hiệu quả.

Nhà đầu tư phải rất thận trọng trong vấn đề giao dịch bằng tiền ảo. Tất cả các chương trình chào bán, đầu tư vào tiền ảo nên tránh xa vì hiện tại có rất nhiều hiện tượng lừa đảo tồn tại và đang khai thác lòng tham của người dân bằng cách đưa ra các chương trình đầu tư với lãi rất lớn. Từ đó hấp dẫn, biến tướng, nhiều người dân bị mất tài sản, thiệt hại rất nhiều. Tại thời điểm này nên dừng đầu tư vào tiền ảo, thận trọng với những chiêu bài, phong trào khuyến mại, tránh tất cả đầu tư vào tiền kỹ thuật số trước khi có luật định, khuôn khổ pháp lý.

Bộ Tư pháp chuẩn bị đưa ra dự thảo khung pháp lý cho quản lý tiền ảo. Theo ông, một khung pháp lý cho quản lý tiền ảo ở Việt Nam sẽ thế nào?

- Chính phủ cũng đang lúng túng xem mình quản lý thế nào, cho phép nó hoạt động trong giới hạn nào và không cho phép… Như tôi đã nói, nên cho phép nó hoạt động trong một giới hạn và kiểm soát được. Tất cả các trung tâm, nhà sản xuất phải được đăng ký như một DN và phải chịu sự quy định của Luật DN: Có vốn, trụ sở, ban điều hành minh bạch, có tài khoản tại ngân hàng… và phải kiểm soát được, nắm được thông tin những người nào trao đổi mua bán, giao dịch và phải có chế tài. Các sàn phải có giá để giao dịch, kiểm soát chặt nhất có thể. Trách nhiệm tùy thuộc vào Luật DN, có những sai phạm có thể xử lý hành chính như đăng ký không đúng, hoạt động vượt giới hạn luật pháp cho phép, có những sai phạm có thể xử lý hình sự như mang tính lừa đảo, thông tin gian dối…

Xin cảm ơn ông!
"Tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Singapore, Hongkong, tiền ảo là hàng hóa. Nhật Bản ban hành đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2016, có quy định về tiền ảo, coi đây là phương tiện thanh toán, quản lý giao dịch tiền ảo thông qua sàn giao dịch, phát hành tiền ảo ban đầu ra công chúng (ICO) có kiểm soát và đăng ký… Hongkong coi tiền điện tử là một loại tài sản ảo, thành lập một ủy ban chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với loại tiền này. ICO tại Hongkong có các hình thức như cổ phần, trái phiếu, ủy thác đầu tư. Singapore cũng quản lý tiền ảo tương tự Hongkong, đồng thời lập một quỹ kiểu như quỹ đầu tư mạo hiểm đối với tiền ảo. Tại Thụy Sĩ, có một số quy định tạo thuận lợi cho công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền ảo (cho phép nhà đầu tư rút tiền nếu thấy dự án không minh bạch) nhưng yêu cầu phải “đặt cọc” một khoản tiền nhất định... Việt Nam có thể cân nhắc một giao dịch giá trị nhỏ, trong phạm vi lĩnh vực có thể kiểm soát thì có thể cho phép giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng." - TS Nguyễn Trí Hiếu