Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý trật tự đô thị sau giờ hành chính: Làm kiên trì để thay đổi thói quen

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 tháng cao điểm thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP, bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vào những ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều vi phạm

Khoảng 7 giờ 30 ngày 25/5, trên phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt vi phạm trật tự đô thị vẫn ngang nhiên tồn tại. Cụ thể, tại khu vực đối diện với cây xăng dầu Bách Khoa; nút Tạ Quang Bửu – Bạch Mai; đầu ngõ 37 Lê Thanh Nghị…, một dãy dài các phương tiện, hàng quán vẫn thản nhiên chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông. Đặc biệt, tại nút Tạ Quang Bửu – Bạch Mai, hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi dừng đỗ phương tiện của chủ cơ sở kinh doanh đã đẩy người đi bộ ra giữa lòng đường. Tương tự, tại khu vực xung quanh tòa nhà Vincom, Phạm Ngọc Thạch, phường Trung Tự, quận Đống Đa, nhân viên hàng loạt bãi xe không phép, “ăn bám” theo trung tâm thương mại này vẫn ngang nhiên nhảy xuống lòng đường chèo kéo, bắt khách.

Tại khu vực nút Tạ Quang Bửu - Bạch Mai xe máy vẫn xếp tràn dưới lòng đường.

Một số cư dân khu tập thể Trung Tự cho biết, đây là những bãi xe đã tồn tại từ rất lâu, người dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ban ngày, những bãi xe này chỉ hoạt động một cách cầm chừng, nhưng vào buổi tối, đặc biệt là những ngày nghỉ, chủ những bãi xe trái phép còn bố trí người tràn xuống dưới lòng đường để bắt khách. “Chỉ cần một phương tiện đi chậm lại, lập tức nhân viên của các bãi xe này sẽ nhảy ra chặn ngay đầu phương tiện để mời chào” - một người dân cho biết.

Tăng cường chốt trực xử lý

Còn nhớ, tại hội nghị giao ban triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo TP Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội đã nêu ra những bất cập trong công tác quản lý trật tự đô thị vào ban đêm. Theo đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, việc yêu cầu lực lượng cảnh sát trật tự không được phép thu giữ đồ đạc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh vì lo ngại sẽ gây phản cảm đã khiến hiệu quả đem lại không cao.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhấn mạnh, cưỡng chế xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng, điều quan trọng nhất là tuyên truyền, nhắc nhở để thay đổi thói quen của người dân. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã “bật mí” một số biện pháp để xử lý các “điểm nóng” mất an ninh trật tự tồn tại nhiều năm như hàng rong trên đường Láng (khu vực giáp ranh giữa quận Cầu Giấy, Đống Đa); vụ di dời “Miếu Hai Cô” tại ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học… Trong đó, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh nguyên tắc rất quan trọng đó là chốt trực, tuyên truyền nhắc nhở người dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện tốt, có hiệu quả Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP về việc lập lại trật tự đô thị, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã và đang phải “gồng mình” để xử lý, ngăn chặn tình trạng tái vi phạm. Tuy nhiên, chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, vi phạm lại tiếp tục tái diễn. Do đó, thay vì tập trung kiểm tra, xử lý một cách dàn trải, chính quyền các địa phương nên tập trung xử lý theo từng khu vực, tuyến đường. Sau khi xử lý, cần bố trí lực lượng chốt trực, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Mặc dù chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tiến hành xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, tuy nhiên, hầu hết các hộ vi phạm đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, các đơn vị có chức năng cần quy hoạch, sắp xếp các khu vực, tuyến đường cho phép bán hàng để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Thiếu tá Vũ Hùng - Phó trưởng Công an phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm


Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn còn “đất diễn” chính là ý thức của người dân. Vì vậy, nếu không thay đổi thói quen tiêu dùng “tiện đâu, mua đấy” thì những nỗ lực của các lực lượng chức năng sớm muộn cũng rơi vào cảnh "ném đá ao bèo". Bởi sẽ không có một địa phương nào đủ lực lượng bố trí chốt trực 24/24 giờ tại các “điểm nóng” để kịp thời nhắc nhở và xử lý vi phạm.

Đại úy Mai Trung Dũng - Phó trưởng Công an phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy