Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý vỉa hè ở Hà Nội: Bao giờ hết cảnh... vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông liên tục thông tin việc UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh ra quân “đòi vỉa hè cho người đi bộ”.

Việc làm này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, và câu hỏi đặt ra là vì sao Thủ đô Hà Nội chưa ra quân lập lại trật tự vỉa hè? 

Lực lượng chức năng thu giữ biển quảng cáo vi phạm trên phố Lương Văn Can. Ảnh: Nhật Thành

Thực tế, mỗi đô thị có đặc thù riêng, và Hà Nội, với đặc thù ngõ nhỏ, phố nhỏ nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có vẻ nhức nhối hơn, bởi có lúc người ta đã ví von Hà Nội có nền kinh tế vỉa hè. Một ví dụ có thật là, chỉ cần mở quán nước ở vỉa hè Hà Nội, với số vốn vài triệu đồng đã có lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khi mở quán chỉ cần chọn địa điểm gần trường học, bệnh viện, khu dân cư đông đúc, hoặc khu công sở có nhiều văn phòng. Và câu nói “Hà Nội dễ kiếm tiền” đã khiến nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ dù lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, giải tỏa nhiều lần thì vi phạm vẫn có đất tồn tại.
Do cơ sở hạ tầng giao thông Hà Nội đang yếu và thiếu nên việc trả lại lòng đường, vỉa hè là thực sự cần thiết. Nhưng mấu chốt của vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra, đó là giải tỏa vỉa hè thì dễ, chống tái lấn chiếm mới khó.
Thực tế này như một cái vòng luẩn quẩn tồn tại từ nhiều năm nay và chính quyền các quận, phường không có lời giải hữu hiệu. Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, còn quản lý hoạt động ở vỉa hè lại do  quận, phường quản lý và cấp phép sử dụng. Các đơn vị này vừa có trách nhiệm giữ gìn trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Từ đó, đã nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ, muốn người dân đóng thuế trên vỉa hè thì phải để họ kinh doanh, mà kinh doanh sẽ không tránh khỏi lấn chiếm vỉa hè.
Thêm vào đó, khi một phần lòng đường vỉa hè bị biến thành hàng quán và bãi đỗ xe thì lại mâu thuẫn với việc tổ chức giao thông. Một bên hô hào thu thuế, một bên hô hào trật tự chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chưa kể đến chuyện một số phường coi việc đứng ra tổ chức kinh doanh, hoạt động dịch vụ là một nguồn thu của phường. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng sai phạm trong cấp phép và lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng. Ấy là chưa kể mỗi quận, mỗi phường lại có cách quản lý khác nhau thiếu đồng nhất. Có phường cho ô tô đỗ trên vỉa hè, phường khác thì cho sắp xếp làm bãi đỗ xe máy, trong khi có phường lại cấm triệt để. Chính sự bất cập trong quản lý, thiếu thống nhất trong quy định đã dẫn đến việc manh mún trong quản lý vỉa hè và là nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn tại các tuyến đường của Thủ đô.
Do đó, để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, xanh, sạch, sáng, đẹp, an toàn, chính quyền các quận cần nêu cao vai trò quản lý của mình với việc thu hồi lại phần diện tích vỉa hè đang bị chiếm dụng để lập lại trật tự đô thị giảm thiểu ùn tắc. Sau khi thu hồi, giao lại cho chính quyền địa phương quản lý với cam kết quyết liệt, triệt để nếu để tình trạng tái lấn chiếm xảy ra. Lãnh đạo quận, phường phải chịu trách nhiệm trước TP và người dân, nếu tái phạm nhiều lần có thể xem xét cách chức hoặc điều chuyển công tác lãnh đạo địa bàn không làm tròn trách nhiệm.