Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Nam Từ Liêm: Thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch

D. Tùng - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, thời gian tới Quận tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa bàn quận Nam Từ Liêm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Sáng 2/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức hội thảo với chủ đề: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe con người, duy trì, cải thiện, đảm bảo sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài. Thực phẩm không an toàn sẽ là thảm họa trước mắt cũng như lâu dài đối với sức khỏe con người.

Mặt khác an toàn thực phẩm còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, trong đó các hoạt động kinh tế, du lịch, thương mại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (ví dụ, nếu một địa phương xảy ra các vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm thì chắc chắn khách du lịch sẽ không dám đến, các nhà đầu tư cũng chùn bước). Do đó đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập hiện nay là vấn đề hết sức cấp thiết.
 Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh :Thanh Hải
Phó Chủ tịch Trần Thanh Long chia sẻ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận Nam Từ Liêm hết sức quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn quận có 1655 cơ sở sản xuất – kinh doanh – chế biến thực phẩm (Quận quản lý 417 cơ sở, Phường quản lý: 1238 cơ sở); 9 chợ, 10 siêu thị, 1 trung tâm thương mại.

Phó Chủ tịch cho hay, năm 2016, quận Nam Từ Liêm đã có những hành động quyết liệt trong công tác an toàn thực phẩm, triển khai nhiều giải pháp đột phá như: Chủ động đề nghị thành phố cho phép triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm quận và 02 phường năm 2016. Đến nay theo đánh giá của thành phố, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là một trong những quận huyện triển khai tốt nhất mô hình này.

Quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường và ban quản lý các chợ về vấn đề an toàn thực phẩm, nếu nơi nào để xảy ra các tồn tại về vấn đề an toàn thực phẩm thì UBND phường và ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm trước UBND quận.

Quận có văn bản yêu cầu bắt buộc chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các chợ phải công khai biển hiệu, có sổ sách ghi chép cụ thể nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm hàng ngày.

Thành lập 2 đường dây nóng cấp quận và 10 phường để người tiêu dùng và nhân dân thông tin cho cơ quan quản lý các vấn đề về mất an toàn thực phẩm.

Quận đã triển khai xây dựng 11 trạm kiểm tra xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ thuộc 7 phường, gồm có 10 loại xét nghiệm, trong đó đáng lưu ý nhất là lần đầu tiên đưa vào xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả và đã cho những kết quả hết sức đáng lưu ý (đã làm 308 mẫu xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả, phát hiện 55 mẫu dương tính nghi ngờ còn dư lượng thuốc trừ sâu).

Từ việc phát hiện ra những loại rau củ quả nguy cơ này quận đã yêu cầu tiêu hủy, không để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này. Việc đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tại các chợ này được dư luận nhân dân và người tiêu dùng hết sức ủng hộ.

Quận đã triển khai thí điểm 2 cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn tại phường Phú Đô và phường Trung Văn. Đây là 2 điểm bán thực phẩm mà quận đã giao cho phòng Y tế, phòng Kinh tế thực hiện kiểm soát thực phẩm hàng ngày. Sau khi đưa vào hoạt động 2 cơ sở này hiện đang thu hút được rất nhiều khách hàng; Đẩy mạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú tại các trường học.
Phó Chủ tịch cho hay, để đạt được những thành công ban đầu trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quận Nam Từ Liêm rút được một số bài học kinh nghiệm sau đây như: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quán triệt chỉ đạo thấu đáo từ cấp ủy đảng đến chính quyền, từ quận tới phường. Trong các cuộc họp ban chấp hành vấn đề an toàn thực phẩm đều được đưa ra bàn bạc thảo luận.

Quận giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành chịu trách nhiệm lĩnh vực mình được phân công: ví dụ trách nhiệm của phòng y tế, phòng kinh tế, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, đội quản lý thị trường, công an môi trường, UBND các phường, ban quản lý các chợ.

Tư tưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác an toàn thực phẩm phải mang tính thực tế, tránh sách vở giáo điều, chọn những vấn đề mang tính đột phá, thực chất (ví dụ xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả, hoặc các điểm cung ứng thực phẩm có kiểm soát của quận).

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quận chọn ưu tiên cần phải giải quyết cấp bách ngay, những việc khác có thể lùi lại sau.

Năm 2017, ngoài những giải pháp về an toàn thực phẩm đã thực hiện năm 2016, quận Nam Từ Liêm dự kiến sẽ thực hiện thêm một số giải pháp an toàn thực phẩm: Thứ nhất, tạo dựng mỗi phường có 1 điểm cung ứng thực phẩm an toàn có kiểm soát hàng ngày do UBND phường chịu trách nhiệm.

Thứ hai, nghiên cứu, trang bị ô tô chuyên dụng xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm (giống như xe của tập đoàn vingroup cấp cho thành phố).

Thứ ba, triển khai xây dựng đề án “Đảm bảo chất lượng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm tại tuyến phố ẩm thực đường Nguyễn Cơ Thạch” mục tiêu là xây dựng tuyến phố ẩm thực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều món ẩm thực đặc sắc, đa dạng thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch bốn phương đến với quận Nam Từ Liêm (hiện nay đề án đã xây dựng xong dự thảo, đang xin ý kiến sở y tế).

Thứ tư, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa bàn quận Nam Từ Liêm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu chọn lựa, sử dụng thực phẩm của nhân dân.