Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Thanh Xuân: chủ động ứng phó mức cao nhất, bảo đảm an toàn cho dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND 11 phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, chủ động ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Chiều 7/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) quận Thanh Xuân đã báo cáo công tác triển khai ứng phó cơn bão số 3 trên địa bàn quận.

Xử lý kịp thời cây bị gẫy đổ

Theo đó, từ 7h đến 13h ngày 7/9/2024 trên địa bàn quận Thanh Xuân có mưa vừa, lượng mưa trên 15.9mm. Đến hiện tại, không có thiệt hại về người, nhà cửa; cây xanh đô thị có 15 cây bị gẫy đổ, lực lượng xung kích các phường phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến giao thông. Trên địa bàn quận xảy ra ngập úng cục bộ tại số tuyến đường, không gây tắc nghẽn giao thông.

Lực lượng chức năng phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) kịp thời xử lý cây đổ do bão số 3
Lực lượng chức năng phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) kịp thời xử lý cây đổ do bão số 3

UBND quận và Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận đã ban hành 2 văn bản về thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 và Công điện số 11 ngày 6/9/2024 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN quận, các phường chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cụ thể, duy trì liên lạc 24/24h đảm bảo thông suốt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai; bảo đảm thông tin chỉ đạo từ quận đến cơ sở để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan.

Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình, dự báo của cơn bão số 3 để chủ động có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ. Cùng đó, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn quận thực hiện biện pháp che chắn, gia cố, chằng chống các công trình đang thi công để đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Chủ động ứng phó ở mức cao nhất, bảo đảm an toàn tính mạng người dân

Trước đó, để chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với cơn bão số 3, ngày 6/9, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND 11 phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chủ động ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Mưa bão khiến cây đổ trên địa bàn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân)
Mưa bão khiến cây đổ trên địa bàn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân)

UBND quận giao Phòng Văn hóa Thông tin rà soát, kiểm tra, yêu cầu các tổ chức cá nhân quản lý biển quảng cáo, đặc biệt là biển quảng cáo tấm lớn, phải đảm bảo an toàn, gia cố chắc chắn, có biện pháp phòng chống gió mạnh, bão không bị đổ sập, gây nguy hiểm cho người dân. Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ sở hữu biển quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi, kiên quyết hạ gỡ hoặc buộc chặt các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn.

Cùng đó, hướng dẫn UBND các phường thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tình hình mưa; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường để người dân biết, chủ động phòng tránh.

UBND quận yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Xuân thường xuyên kiểm tra, ứng trực, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, an toàn; cảnh báo nhân dân phòng, tránh điện giật; chủ động thanh thải, bó gọn hệ thống dây điện trên địa bàn quận.

Xí nghiệp thoát nước số 4, 6, 7 tổ chức ứng trực tại các điểm thường xuyên úng ngập, sẵn sàng triển khai phương án thoát nước đô thị, đảm bảo thoát nước nhanh tại các điểm úng ngập cục bộ, không để xảy ra tình trạng giao thông bị chia cắt, đặc biệt chú trọng đến các điểm ngập úng trên địa bàn bàn quận (Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Nguyễn Văn Trỗi, Cự Lộc, cổng UBND phường Thanh Xuân Bắc…).

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và Hợp tác xã Thành Công tổ chức kịp thời giải tỏa cây đổ, không để ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Ban Chỉ huy Quân sự quận, Công an quận, Đội Thanh tra Giao thông vận tải quận chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, cắm biển báo, phân luồng giao thông, hướng dẫn giao thông, chú ý các điểm úng ngập sâu, kịp thời xử lý sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông.

Rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận; tăng cường triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở, công trình trọng điểm, các khu dân cư có nguy cơ mất an toàn do thiên tai, sự cố.

UBND quận cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN quận chủ động kiểm tra, đôn đốc các phường để chỉ đạo công tác phòng, chống úng ngập theo quy định; tổ chức trực 24/24h tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của quận.

UBND và Ban Chỉ huy PCTT & TKCN 11 phường rà soát, cập nhật các phương án PCTT, phương án sơ tán đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa ngập úng lớn; đảm bảo an toàn cho các địa điểm sơ tán. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, cảnh báo kịp thời tới nhân dân để chủ động phòng tránh, rà soát các hộ dân, công trình có nguy cơ đổ, sập; các điểm ngập úng; chằng, chống các cây xanh mới trồng và cây có khả năng bị đổ trên địa bàn.