Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Thanh Xuân: Duy trì tuyến phố, cửa hàng an toàn thực phẩm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tiếp tục duy trì tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân đã và đang hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở, cửa hàng thực hiện đầy đủ các quy định về ATTP.

10 tiêu chí đảm bảo ATTP

Trong những năm qua, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới về ATTP. Đặc biệt, năm 2017, Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng triển khai tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình - mô hình điểm về dịch vụ ăn uống.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận Thanh Xuân thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở tại tuyến phố kiểm soát ATTP phường Thượng Đình. Ảnh: Hồng Thái
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận Thanh Xuân thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở tại tuyến phố kiểm soát ATTP phường Thượng Đình. Ảnh: Hồng Thái

Trên cơ sở đó, TP đã nhân rộng mô hình đến các quận, huyện trên địa bàn. Đến nay, quận đã thực hiện duy trì mô hình này tại 21/21 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế. Từ khi mô hình được triển khai, diện mạo của tuyến phố đã thay đổi rõ rệt, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều khang trang, lịch sự.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp cho biết, ngay sau thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, UBND quận đã rà soát, yêu cầu tiếp tục duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại phố Thượng Đình.

Một số cơ sở kinh doanh đổi chủ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn, Phòng Y tế quận, UBND phường Thượng Đình đã tuyên truyền, vận động các cơ sở tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, ký cam kết về đảm bảo ATTP. Hướng dẫn cơ sở thực hiện 10 tiêu chí kinh doanh dịch vụ ăn uống; niêm yết công khai “Cửa hàng/nhà hàng kiểm soát ATTP”.

Đồng thời, vận động người tiêu dùng phản ánh và thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm công tác ATTP. Cán bộ phụ trách văn hóa thông tin phường phát thanh tuyên truyền ATTP; tuyên dương các cơ sở thực hiện tốt, phê bình các cơ sở thực hiện chưa tốt, vi phạm ATTP trên loa truyền thanh phường.

Cùng với đó, rà soát, điều tra, quản lý cơ sở, khám sức khỏe cho các chủ cơ sở, người chế biến, kinh doanh thực phẩm, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên thực hiện đầy đủ các tiêu chí ATTP, thu gom rác thải ngay, đảm bảo mặt nền cơ sở luôn gọn, sạch không có giấy rác, phải có tủ kính chứa đựng thực phẩm, để tạo sự thay đổi rõ nét đảm bảo ATTP, mỹ quan và vệ sinh môi trường sạch đẹp...

Với mô hình “Xây dựng các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát”, từ năm 2016 đến nay, quận Thanh Xuân đã mở và duy trì các điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Khương Mai, Nhân Chính. Các điểm cung cấp thực phẩm hoạt động đạt kết quả tốt, lượng khách đông lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cửa hàng đã phục vụ gần 51.000 lượt khách với tổng giá trị gần 2,3 tỷ đồng. Sau thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, UBND quận Thanh Xuân đã rà soát, yêu cầu các phường huy động các lực lượng, tổ chức chính trị, cơ quan đơn vị trên địa bàn phối hợp với các DN (Công ty CP Thực phẩm Ngôi sao Xanh, Công ty TNHH Hương Việt Sinh) tích cực triển khai thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp Nhân dân, tổ dân phố, cụm dân cư về sử dụng thực phẩm an toàn và các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát trên địa bàn quận.

UBND quận Thanh Xuân cũng yêu cầu các DN phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR, thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo ATTP để các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát thực sự là điểm đến tin tưởng cho người dân trên địa bàn quận.

Thực hiện tốt hậu kiểm, giám sát

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, để thực hiện tốt việc duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại tuyến phố Thượng Đình; duy trì và phát triển các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát năm 2022, UBND quận đã yêu cầu kiểm tra, giám sát, nâng cấp cơ sở vật chất của các điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát sau thời gian dịch bệnh.

Cùng đó, quận yêu cầu Phòng Y tế quận chủ trì, phối hợp với phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND phường Thượng Đình tham mưu UBND quận chỉ đạo tổ chức thực hiện duy trì tuyến phố ATTP có kiểm soát tại phố Thượng Đình; các cửa hàng ATTP có kiểm soát.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; thực hiện tốt chế độ hậu kiểm, giám sát.

Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Y tế quận, UBND phường Thượng Đình tổ chức giám sát, hướng dẫn tư vấn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thực hiện đầy đủ các quy định về ATTP; tổ chức khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, tuyên truyền kiến thức ATTP cho người chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hướng dẫn các tiêu chí về ATTP, kiểm soát nguyên liệu chế biến thực phẩm.

“Trong thời gian tới, quận duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình và phát triển thêm tuyến phố kiểm soát ATTP để nâng cao công tác đảm bảo ATTP các cơ sở dịch vụ ăn uống nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân” - Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp thông tin.

 

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm hành chính về ATTP

Theo UBND quận Thanh Xuân, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.206 lượt cơ sở (21 cơ sở sản xuất, 91 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 973 cơ sở dịch vụ ăn uống và 121 cơ sở thức ăn đường phố). Toàn quận đã xử phạt 88 trường hợp vi phạm hành chính về ATTP với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh...

Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 12 đã xử phạt 21 vụ với tổng số tiền 296 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy gần 335 triệu đồng...