Qua đó, các đơn vị của quận Cầu Giấy trong công tác này được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Không phát sinh các vụ ngộ độc
Theo thống kê của UBND quận Cầu Giấy, tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn có 1.763 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, 431 cơ sở thuộc quản lý của UBND quận, 1.331 cơ sở do UBND các phường quản lý. Đến thời điểm này, 431 cơ sở (đạt tỷ lệ 100%) có Giấy chứng nhận/tổng số cơ sở phải cấp Giấy chứng nhận do UBND quận quản lý.
Đại diện UBND quận Cầu Giấy thông tin, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng quận đã tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với 750/1.763 cơ sở. Trong đó, 30 cơ sở sản xuất thực phẩm, 219 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 389 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 112 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính 39 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 136 triệu đồng; đồng thời, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở khẩn trương khắc phục những tồn tại mà lực lượng chức năng đã chỉ ra.
Ông Nguyễn Đức Viên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo ATTP, Trưởng Phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, quận Cầu Giấy đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hành cho người tiêu dùng, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố về kiến thức ATTP... Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm nay và cả năm 2021, trên địa bàn quận đã không xảy ra các vụ ngộc độc thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Sớm quản lý thực phẩm bán online
Ông Nguyễn Đức Viên chia sẻ, qua kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng nhận thấy vẫn có cơ sở bày bán hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ, bao bì không đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm, không có dụng cụ bảo quản riêng đối với thực phẩm sống - chín, điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Các cơ sở trên địa bàn thuộc cấp phường quản lý chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, lao động không ổn định, do đó chưa nắm rõ kiến thức về ATTP, còn tồn tại những cơ sở tại các khu tập thể cũ trong diện quy hoạch giải tỏa nên không làm được Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ UBND phường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên quá tải về công việc.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, ông Nguyễn Đức Viên kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ đầu mối phụ trách ATTP cấp quận, phường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quét mã vạch trong công tác xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Đồng thời, ban hành chỉ tiêu chất lượng cho từng đối tượng hay nhóm ngành hàng để có căn cứ yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện xét nghiệm trước khi làm thủ tục tự công bố sản phẩm theo quy định. Xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động kinh doanh thực phẩm online và phối hợp với các quận huyện, thị xã trong việc xử lý trường hợp vi phạm kinh doanh online.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Viên kiến nghị, các văn bản quản lý Nhà nước cần sớm được điều chỉnh để có sự thống nhất đối tượng và thủ tục hành chính áp dụng trong công tác quản lý ATTP của 3 lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đảm bảo ATTP.