Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản trị nhân sự thời 4.0

Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Talentnet
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời đại công nghệ và số hóa ngày càng khẳng định rõ vị thế của mình trong việc xoay chuyển chiến lược và kết quả kinh doanh ở các DN. Cục diện nhân lực tại các công ty vì thế cũng thay đổi.

Thực tế này đòi hỏi mỗi cá nhân phải “cải tiến” liên tục để thích ứng và vận hành hiệu quả trong ma trận số hóa. Vậy đâu sẽ là những mảng màu mới trong chân dung của những “thuyền trưởng DN” thời @ - những người đóng vai trò nút thắt cho sức mạnh của các nhóm, bộ phận và sức bật cho một tổ chức?

Đọc vị đội ngũ quản lý

Ở góc độ quản trị DN, các cấp quản lý chính là đối tượng cần được đầu tư quan tâm và phát triển bởi hơn ai hết đây là đối tượng cầu nối giữa cấp lãnh đạo và nhân viên, chiến lược tổ chức và quy trình vận hành.

Khảo sát nhanh về dịch chuyển lãnh đạo ở Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ với hơn 100.000 điểm dữ liệu từ các ứng viên cấp quản lý trở lên trên phạm vi cả nước do Talentnet thực hiện vào tháng 8/2017 cho thấy những kết quả thú vị. Theo đó, năm đặc điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tương lai bao gồm: (i) có tầm nhìn vĩ mô; (ii) ưu tiên môi trường làm việc chuyên nghiệp; (iii) xu hướng tập trung vào sự nghiệp; (iv) quan trọng các giá trị gia đình và (v) đề cao các giá trị cá nhân.

Tại thị trường nhân sự cấp cao Việt Nam, "xu hướng tập trung vào sự nghiệp" vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên do các nhà lãnh đạo hiện nay vẫn đánh giá cao sự công nhận từ xã hội. Bên cạnh đó, “đề cao các giá trị cá nhân" cũng là một đặc điểm cần được quan tâm, bởi khi ngày càng nhiều nhà lãnh đạo cân nhắc xem liệu tầm nhìn phát triển của tổ chức có phù hợp với các giá trị cá nhân của họ, thông qua đánh giá trách nhiệm của DN đối với cộng đồng.

Mặt khác, “quan trọng các giá trị gia đình” cũng là yếu tố cần được chú tâm để giúp DN tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường lao động. Đơn cử, để có thể đọc vị được “mong muốn ngầm” của các cấp quản lý, công ty có thể chủ động tổ chức các hoạt động khuyến khích sự tham gia của người thân và gia đình nhân viên, nhất là những nhân viên có thành tích xuất sắc, đóng góp vào thành công của tổ chức.

Lãnh đạo có phong cách

Ngoài chuyên môn, nhà quản lý giỏi là người hiểu mình, hiểu nhân viên và trên hết là tạo được cảm hứng và niềm tin cho nhân viên. Đồng thời, để thích nghi với nền kinh tế thị trường đa chiều đang thay đổi không ngừng, nhà quản lý cần tập trung vào những kỹ năng mới cần thiết trong thời đại kỹ thuật số, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý kinh doanh. Những kỹ năng này bao gồm: sự linh hoạt, điều tiết thích ứng thay đổi, sáng tạo và phân tích dữ liệu. Làm tốt những yêu cầu trên, các cấp quản lý Việt Nam mới có thể mong bắt nhịp với xu hướng toàn cầu, khai phóng tầm nhìn và phát triển phong cách lãnh đạo tương thích với đội ngũ nhân lực hiện tại.

Trong chương trình chia sẻ sáng kiến DN, đứng ở góc nhìn xu hướng hội nhập, ông Magdelene Chai, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Quản trị nguồn nhân lực Singapore (SHRI) cho rằng, chiến lược kinh doanh của công ty nên được hoạch định phù hợp với văn hoá tổ chức, phong cách lãnh đạo cũng như lộ trình phát triển theo xu hướng toàn cầu. “Học hỏi, thực nghiệm và kiến tạo là lộ trình xuyên suốt của mỗi DN”- ông Magdelene Chai nói. “Do đó, việc học hỏi từ các mô hình, phương pháp tiên tiến sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ hơn. Và không chỉ riêng các nhà lãnh đạo mà tất cả nhân viên cũng cần được đào tạo và huấn luyện với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực để tạo ra lực lượng nhân sự tinh nhuệ và sáng tạo”.

Kỷ nguyên công nghệ lên ngôi hứa hẹn những dịch chuyển khi không chỉ ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lãnh đạo mà cả cơ cấu hoạt động của DN hay tổ chức. Trước thềm “thời kỳ tự động hóa”, các nhà lãnh đạo Việt nên tìm định hướng quản trị nhân sự cho riêng mình kịp thời với tâm thế “nền tảng vững chắc - linh hoạt sáng tạo - làm ngay kẻo trễ”.