Còn nặng tính hàn lâm
Đây là cơ hội để nhìn nhận, phân tích nguyên nhân vì sao chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH chưa tương xứng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã từng thẳng thắn: "Nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là một hoạt động bắt buộc khiến kiến thức của giảng viên bị lạc hậu và sinh viên (SV) không được sống trong môi trường sáng tạo".
Một buổi học tại Phòng thí nghiệm robotic, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
|
GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường yếu kém: "Đầu tiên là ta chưa có điều kiện để nghiên cứu. Nghiên cứu lý thuyết không khó, nhưng bây giờ người ta thiên về thực hành, hay nói cách khác là nghiên cứu định lượng. Ở mảng này ta lại đang thiếu, nên có ít công trình là lẽ đương nhiên. Một lý do khác nữa là hoạt động khoa học của chúng ta tách rời hệ thống giáo dục ĐH. Các viện khoa học, viện hàn lâm không nằm trong các trường ĐH, trong khi nhiều nước trên thế giới lại ngược lại. Rồi chuyện nhiều người chưa có thói quen hoặc ngại gửi bài nghiên cứu đến các tạp chí có uy tín thế giới càng làm cho đánh giá về mặt khoa học của các trường kém đi".
Đi sâu vào đề tài của các nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho rằng, nhiều công trình chưa phục vụ sản xuất mà mang tính hàn lâm nhiều hơn. Ở nhiều nước, giảng viên thường nhận đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp, công ty hay công trình của nhà nước, rồi giao từng mảng công việc cụ thể cho các nghiên cứu sinh. Thầy và trò cùng nhau làm việc sẽ hiểu nhau hơn, đồng thời tạo niềm hăng say nghiên cứu cũng như sự tìm tòi, sáng tạo…
Ngoài ra, còn một thực tế là, hiện nay, số giờ lên lớp của giảng viên quá nhiều, không còn thời gian đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Để được cấp bằng sáng chế, bán bản quyền, chuyển nhượng công trình nghiên cứu khoa học không dễ dàng và đơn giản nên nhiều thầy giáo chấp nhận đi dạy để có tiền ngay. Và hàng loạt các vấn đề khác từ đặt hàng của xã hội, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, doanh nghiệp chi bao nhiêu tiền để đầu tư mua công nghệ, đầu tư trực tiếp cho các nhà khoa học để nghiên cứu… mới đang ở giai đoạn dần hình thành thói quen.
Các trường tự tái đầu tư
GS Trần Hồng Quân và nhiều chuyên gia chưa thể dự đoán được 10 hay 20 năm nữa Việt Nam có trường ĐH lọt vào top 500 hay top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Song điều chắc chắn, nếu chúng ta thực sự đổi mới tư duy để thúc đẩy giáo dục ĐH phát triển nhanh sẽ giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ giáo dục ĐH của Việt Nam với thế giới.
Ai cũng biết, xếp hạng các trường là việc quan trọng. Trường lọt vào top cao sẽ khẳng định được thương hiệu và uy tín đối với xã hội, từ đó thu hút được nhiều người học ở trong và ngoài nước. Bởi vậy, GS Nguyễn Văn Hùng đề nghị, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, bản thân mỗi trường phải tự cố gắng nghiên cứu để trước hết phục vụ cho hoạt động đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Thứ nữa, các thầy cô giáo vì lòng tự trọng, vì tương lai của con em mình đầu tư cho giảng dạy thật tốt. Khi ấy, SV học tập mang lại kết quả cao hơn, xã hội đánh giá ngành giáo dục theo hướng tốt góp phần tạo đà phát triển.
Mặc dù thời gian qua, đầu tư của Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường, nhất là trường trọng điểm ở mức tương đối nhưng, kết quả thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT cho thấy, mới chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm của các trường được đánh giá có chất lượng thiết bị tốt. Để phát huy hiệu quả của đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị cần phải rà soát lại hệ thống trang thiết bị để từ đó có định hướng hợp lý.
Đầu tư của Nhà nước cũng nên thay đổi theo hướng đề án, thay vì tập trung cho trường trọng điểm. Muốn được cấp kinh phí, các trường phải chứng minh hiệu quả, tính khả thi áp dụng vào thực tiễn khi công trình hoàn thiện. Và việc đầu tư không phân biệt cơ sở giáo dục công hay ngoài công lập để tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Bản thân các trường cũng nên tìm cách tạo kinh phí để tái đầu tư, chứ không thể trông chờ hết vào Nhà nước, nhất là khi nguồn ngân sách có hạn.
Công bằng mà nói, thời gian qua, nhiều trường ĐH, bên cạnh hoạt động đào tạo đã tập trung nhiều vào nghiên cứu khoa học. Có những cơ sở đang xây dựng và phát triển dần theo định hướng nghiên cứu với đầu tư mạnh các phòng thực hành, thí nghiệm. Điển hình là ĐHQG Hà Nội với thành quả năm vừa qua đã nâng chỉ số xếp hạng, nằm trong top từ 161 đến 170 các trường ĐH tốt nhất châu Á.
Rất nhiều người hy vọng trong thời gian tới, khi Bộ GD&ĐT phân loại được các trường theo 2 hướng nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành, từng đơn vị sẽ có kế hoạch rõ hơn về định hướng phát triển. Và, với việc Bộ GD&ĐT tiếp tục giao quyền tự chủ mạnh hơn, các trường có thể chọn chương trình và nội dung đào tạo, liên kết hợp tác với trường nước ngoài, mở rộng đầu tư nghiên cứu khoa học… chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên. Khi ấy, việc có trường lọt vào top trường tốt nhất khu vực hay thế giới không phải là điều quá xa vời.
Tại thời điểm này, khi chất lượng giáo dục ĐH đang còn những tồn tại, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT mong muốn một hệ thống giáo dục nhất quán, phát triển hài hòa, cân đối để tạo ra đội ngũ nhân lực tốt. Theo ông Khuyến, hệ thống giáo dục tốt phải đảm bảo 3 tiêu chí: Công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi người; Chất lượng đào tạo phù hợp với sứ mệnh của nhà trường; Tiền thuế của người dân phải được sử dụng hiệu quả nhất.
“Hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ có ở những trường lớn, trường trọng điểm, còn nói chung là yếu. Bao nhiêu trường ĐH mới thành lập, từ CĐ nâng cấp lên, đội ngũ giảng viên không đủ, thầy giỏi còn ít lại phải đi dạy nhiều không còn thời giờ nghiên cứu. Với tình hình như thế, phải nhiều năm nữa mình mới có trường chất lượng được đưa vào đánh giá trường đẳng cấp thế giới.” - GS Đặng Hữu - Nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư
“Cùng với chuẩn, các tổ chức đưa ra rất nhiều tiêu chí để đánh giá trường ĐH. Nhiều khi ta nói họ đánh giá quá kỹ, nhưng như thế mới hiểu được chất lượng là gì. Chúng ta cũng có một số trường ĐH mạnh, chất lượng cao, nhưng so với chuẩn quốc tế thì cần phải có quá trình phấn đấu nhiều hơn.” - GS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam
“Chúng tôi yêu cầu giảng viên, mỗi năm ít nhất có một bài báo công bố trong các tạp chí chuyên ngành có chỉ số ở trong nước, một số ngành cần phấn đấu đăng trên tạp chí quốc tế. Nếu giảng viên có bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thì sẽ có thưởng để khuyến khích động viên. Trong thời gian qua, số bài báo và công trình quốc tế của ĐHQG Hà Nội đã tăng lên rõ rệt". - PGS TS Nguyễn Kim Sơn-Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội
"Chúng ta nên tập trung đầu tư nghiên cứu về khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm. Khi đất nước phát triển và giàu rồi, thì sẽ nghiên cứu cơ bản nhiều hơn". - GS Nguyễn Văn Hùng-Nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng
|