Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan trọng vẫn là con người

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch… Có thể nói đây là một nhận định không hề mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh yêu cầu này cho kỳ thi tốt nghệp THPT năm nay có lẽ bởi bối cảnh dư âm của tình trạng gian lận trong thi cử ở cuộc thi năm 2018 vẫn chưa tan hết.
Nói đó là yêu cầu không hề mới bởi xưa nay, phàm đã là thi cử, một trong những đòi hỏi hàng đầu và đương nhiên phải là nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch... Vấn đề là làm sao để thực hiện được yêu cầu đó.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ để kỳ thi năm nay đạt yêu cầu trên sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức, thanh tra, giám sát… nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực như đã từng xảy ra. Các khâu "cốt tử" của kỳ thi như coi thi, thanh tra - kiểm tra, chấm thi sẽ được chú trọng ở mức cao nhất, ông Nhạ nhấn mạnh.
Có lẽ cũng bởi quan điểm đó mà tại hội nghị nói trên, bên cạnh các nội dung quan trọng khác thì tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi… là vấn đề dành được sự quan tâm khá lớn, như là một yếu tố hàng đầu để kỳ thi được thực hiện chu đáo, an toàn, nghiêm túc ở tất cả các khâu.
Về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá đây là khâu hết sức quan trọng, cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp bảo đảm an toàn khác. Một điểm mới của kỳ thi năm nay là ngoài thanh tra cấp sở và bộ, sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Với lực lượng thanh tra đông đảo, nhiều cấp, nhiều ngành và sẽ được chọn lựa, tập huấn nghiệp vụ kỹ càng hy vọng kỳ thi sẽ bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch…
Việc quan tâm đến công tác thanh tra cho thấy quyết tâm của Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch. Song ở một góc độ khác, nó cũng cho thấy tình trạng chưa thật yên tâm về độ tin cậy của một bộ phận, dù rất nhỏ, trong đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. Vẫn có những lo ngại về tiêu cực có thể xảy ra ở khâu này, khâu khác của kì thi.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, "chấm thi là khâu dễ phát sinh tiêu cực, gian lận nhất". Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lại cho rằng coi thi là khâu cần được tập trung nhiều hơn các giải pháp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, bên cạnh những giải pháp đã áp dụng ở khâu chấm thi. Đại diện một số địa phương cũng đề xuất cần chặt chẽ trong quy trình bảo quản đề thi, bài thi, coi và chấm thi để tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Việc Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao… ở một góc độ nào đó cũng cho thấy sự lo ngại những “rủi ro” có thể xảy ra mà nguyên nhân từ con người ở công tác này.
Như vậy, có thể thấy, dù còn những ý kiến khác nhau về những việc cần quan tâm để có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, mọi ý kiến của những người có trách nhiệm đều chú trọng đến vấn đề con người trực tiếp tham gia ở mọi khâu, kể cả khâu được coi là quan trọng nhất là thanh tra!
Còn gần 2 tháng nữa mới diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Vẫn còn thời gian để Bộ GD&ĐT, các địa phương, bộ ngành làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó có việc lựa chọn, sắp xếp nhân sự để bảo đảm một kì thi nghiêm túc. Bởi như đã phân tích ở trên, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm… của người được giao nhiệm vụ trong các khâu của kì thi vẫn là yếu tố quyết định.