Tuy nhiên, đây vẫn là một trong 3 “điểm nghẽn” của ngành kinh tế xanh bởi kinh phí eo hẹp, nguồn lực thiếu, yếu và chưa có nhạc trưởng.
Mới chỉ là cuộc “dạo chơi”
Tại Hội nghị “Xúc tiến du lịch năm 2017” do Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch tổ chức sáng 3/8 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, cùng với chính sách visa và môi trường còn nhiều hạn chế, công tác quảng bá, xúc tiến là một trong 3 “điểm nghẽn” khiến du lịch chưa thể bứt phá. Hiện, ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong ASEAN. Trong khi mỗi năm Thái Lan chi 60 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến và thu về hơn 30 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm… Do vậy, Việt Nam thu hút khách chất lượng trung bình (khoảng 1,114 USD/1 khách quốc tế/1 chuyến). Trong khi đó, Thái Lan , Indonesia và Philippines thu hút được khách chất lượng cao. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ “dạo chơi” với quảng bá, xúc tiến du lịch. Thực tế nhiều năm qua, bất cứ lần tham gia hội chợ quốc tế nào, Tổng cục Du lịch cũng loay hoay, chạy vạy khắp nơi xin, huy động kinh phí, gian hàng luôn nhỏ bé, rất mệt mỏi và hiệu quả thấp”.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Để công tác quảng bá, xúc tiến đạt hiệu quả, tạo đột phá cho ngành kinh tế xanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Nhằm đạt được mục tiêu đạt 13 - 15 triệu khách trong năm nay, quảng bá, xúc tiến đừng để “đói bụng mới lo cấy lúa”. Trước mắt, chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá ở 6 nước ASEAN gồm: Thái Lan , Singapore , Malaysia , Lào, Campuchia và Myanmar . Bởi từ đầu năm đến nay, lượng khách từ 6 thị trường này đã đạt 1,3 triệu lượt. Mặt khác, kế hoạch quảng bá, xúc tiến ở các quốc gia xa như châu Âu cần thực hiện trước 6 tháng đến một năm mới đạt hiệu quả. Về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu, tăng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày. Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị miễn thị thực cho 3 quốc gia có lượng khách lớn, mức chi tiêu “khủng” là Australia, Ấn Độ và Canada. Đặc biệt, cần tái thành lập Trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia thuộc Tổng cục Du lịch và có cơ chế linh hoạt cho cơ quan này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất thêm: “Chính phủ cần sớm giải ngân ngay Quỹ 200 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến du lịch năm 2017. Đồng thời, thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý và vận hành Quỹ, trên nền tảng hợp tác công - tư. Cùng với đó, tập trung quảng bá, xúc tiến vào các thị trường có chi trả cao, lưu trú lâu dài và có tính ổn định gồm: Châu Âu (Đức, Anh, Pháp), Trung Quốc, Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Singapore), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Australia, Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc), Nga. Bởi, theo nghiên cứu, lượng khách đến từ 7 thị trường này chiếm tới 85% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam”.
Được biết, nhằm đồng hành cùng Chính phủ để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bằng liên kết công - tư, Khối các DN du lịch TAB cam kết từ nay đến năm 2020 đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch; tham dự vào Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia. Đồng thời, tham gia tích cực vào quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế. “Tới đây, Tổng cục Du lịch, Vietnam Airlines, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, và Du lịch Hà Nội và Hội đồng Tư vấn Du lịch sẽ phối hợp tổ chức gian hàng tại 2 hội chợ du lịch lớn nhất thế giới là WTA (London, Anh) quy mô 200m2, ITB Berlin (Đức) với quy mô 500m2 và roashow đến các thị trường trọng điểm” - ông Chính chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phấn khởi cho biết thêm: Hiện đã có 11 DN cam kết tham gia Khối các DN du lịch TAB, 5 DN đã chuyển tổng kinh phí 40 tỷ đồng gồm: Vietnam Airlines, Tập đoàn HG, Tập đoàn Mường Thanh, Thiên Minh và VinGroup. Với tiềm lực của các nhà đầu tư chiến lược và các nhà kinh doanh, tin rằng mô hình liên kết công – tư này sẽ hoạt động hiệu quả. Ông Tuấn cũng bày tỏ: “Hy vọng cộng đồng DN, đặc biệt là DN tư nhân sẽ tiếp tục là động lực và chủ động hơn nữa trong công tác xúc tiến quảng bá để du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn”.
Để đạt được mục tiêu đón 23,6 triệu khách du lịch trong năm 2017, tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Phối hợp và giám sát Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội đảm bảo chất lượng, đúng nội dung đã ký kết trong giai đoạn 2017 - 2018; đề xuất tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác liên quan. Hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về du lịch. Triển khai hệ thống du lịch thông minh. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện, tổ chức liên quan ở trong và ngoài nước nhằm phát triển thị trường du lịch, kết nối tour, tuyến với các DN, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng |