Quảng Nam: Hàng nghìn hecta lúa nguy cơ mất trắng vì thiếu nước, hạn mặn

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng kéo dài, các hồ đập thủy lợi cũng cạn dần, trạm bơm không đủ nước để bơm tưới khiến cho hàng nghìn hecta lúa hè thu đang dần khô héo, có nguy cơ mất trắng.

Nguy cơ mất trắng
Khoảng 1 tháng nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dường như không có một trận mưa nào đáng kể. Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước tưới tiêu cho vụ hè thu không thể bảo đảm. Hơn 41 ngàn hecta lúa hè thu vừa mới gieo cấy có nguy cơ mất trắng.
Dưới trời nắng gay gắt, bà Nguyễn Thị Hoa (68 tuổi, trú thôn 3, xã Cẩm Kim, TP Hội An) cần mẫn bơm nước vào ruộng để cứu lúa. Gia đình bà có 2 sào ruộng đã xuống giống gieo sạ hơn nửa tháng nhưng nắng nóng gay gắt làm lúa bắt đầu héo khô. “Phải 4 đến 5 ngày trạm bơm mới bơm nước một lần. Lúa đã bắt đầu ngả vàng, nếu không có nước tưới thì vài ngày nữa sẽ chết khô”.
3 sào lúa vừa mới gieo sạ của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi, trú thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cũng chịu cảnh tương tự. “Nước ở trạm bơm 19/5 bị xâm nhập mặn nên hoạt động cầm chừng dẫn đến ruộng lúa của gia đình tôi bị khô hạn nặng. Chỉ cần 1 tuần nữa mà không có mưa thì vụ hè thu năm nay coi như mất trắng”, bà Thủy thở dài.
Ruộng khô hạn bắt đầu nứt nẻ, nhiều cây lúa mới được gieo sạ gần 1 tháng bắt đầu héo khô. 
Huyện Duy Xuyên là 1 trong 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Vụ hè thu năm nay, địa phương này gieo sạ hơn 3.535 hecta, chủ yếu cơ cấu giống lúa ngắn, trung ngày để tránh thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt nhiều ngày qua đã làm cho lúa hè thu tại các xã Duy Sơn, Duy Thu, Duy Phước… bị thiếu nước nghiêm trọng. Các cánh đồng bắt đầu nứt nẻ, nhiều diện tích lúa héo khô.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay: “Nắng nóng kéo dài thì khả năng các trạm bơm dọc sông Thu Bồn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nên huyện đã chống hạn bằng các trạm bơm dã chiến và lấy từ nguồn ao, hồ để tưới bổ sung. Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 200 hecta lúa đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới”, ông Đức nói.
Theo ghi nhận, không chỉ các cánh đồng ở TP Hội An và huyện Duy Xuyên, tại huyện Nông Sơn cũng diễn ra tình trạng bị thiếu nước, hạn mặn khiến hàng nghìn hecta lúa hè thu khô héo, ruộng đất bị nứt nẻ.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho biết, huyện đã xuống giống gieo sạ được 70% diện tích, trong đó khoảng 60 hecta lúa đang bị thiếu nước, nhiều nhất là ở xã Quế Lộc.
“Nắng nóng khiến cho nguồn nước từ các kênh, mương, suối trên địa bàn huyện bị khô cạn, không đủ cho người dân tưới tiêu. Bênh cạnh đó, nhiều diện tích ruộng nằm ở cuối kênh nên nguồn nước bị yếu, không thể bơm vào ruộng. Chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực chống hạn để cứu lúa”, ông Lưu chia sẻ.
 Bà Nguyễn Thị Hoa đang nỗ lực cứu lúa, cứu lấy một vụ mùa thất bát. 
Cũng theo ông Lưu, sau gần 1 tháng gieo sạ, cây lúa đã bắt đầu đẻ nhánh nên cần nước để bón phân cho lúa phát triển. Thế nhưng, nếu tình trạng khô hạn vẫn kéo dài thì người dân không thể bón phân, năng suất lúa sẽ giảm mạnh.
Yêu cầu thủy điện xả nước để cứu lúa
Hiện Quảng Nam có 73 hồ thủy lợi lớn, nhỏ do Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Quảng Nam và các địa phương quản lý sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa đều trong tình trạng khô cạn, không thể bảo đảm cung cấp nước tưới cho vụ hè thu. Trong khi đó, các trạm bơm phục vụ tưới cho những vùng trồng lúa trọng điểm lại liên tục đối diện với tình trạng nhiễm mặn vượt ngưỡng.
Ông Lê Tấn Hướng - Trưởng trạm bơm 19/5 (huyện Duy Xuyên) cho biết: “Hiện tại độ mặn lên đến 12/1000, có thời điểm lên tới 16/1000 ở trạm, nước mặt là 3/1000, cho nên chúng tôi chỉ vận hành theo giờ thôi. Đến giờ này, không chạy được vì độ mặn cao quá, nhiều diện tích lúa cứu không kịp. Giờ chờ thủy điện xả nước để chúng tôi phục vụ cho bà con cứu lúa”, ông Hướng nói.

Vì độ mặn quá cao, nhiều trạm bơm tại Quảng Nam không thể vận hành

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên có nhiều hồ đập mực nước đã xuống mức thấp nhất, không đủ phục vụ công tác tưới tiêu. Hiện trên toàn tỉnh có hơn 400 hecta lúa bị thiếu nước, hạn mặn.
“Để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, Sở đã phối hợp với thủy điện Sông Tranh 2 xả nước nhằm khống chế, không cho xâm nhập mặn lên cao cũng như cung cấp nước cho các hồ chứa, trạm bơm phục vụ bà con nhân dân. Bên cạnh đó, lợi dụng thủy triều xuống thì xả nước để đẩy mặn. Trong thời gian tới, một ngày các trạm bơm có thể bơm 8 - 10 tiếng để khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trên diện rộng”, ông Tý thông tin. 
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam triển khai gieo sạ 41 nghìn ha, trong đó gần 38 nghìn ha chủ động được nước tưới, diện tích còn lại phụ thuộc vào nước mưa. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp của tỉnh yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích lúa khu vực cuối kênh, vùng nguy cơ thiếu nước để hạn chế ảnh hưởng đến người nông dân. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn ngày càng bất thường thì việc sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu cần được quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần