Ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: Toàn xã có 46 hộ dân được hỗ trợ chi phí để tháo dỡ lồng bè, chuyển đổi ngành nghề, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Việc vận động nhân dân tháo dỡ lồng bè và chuyển đổi nghề nghiệp tại khu vực cảng Dung Quất là do khu vực này không nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, khu vực này sau này sẽ thực hiện một số dự án. Nếu không vận động người dân ra khỏi khu vực này thì sau này dễ xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế của người dân.
Theo ông Vũ, sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành các quyết định hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cùng với hỗ trợ một phần cá chết của bà con trong đợt lũ của cuối năm 2018, thì các hộ đều đồng ý nhận. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động các hộ dân không thả mới cá giống và xây dựng lồng bè mới.
Từ năm 2004 đến nay, việc nuôi cá lồng bè tại khu vực xã Bình Đông (khu vực khu kinh tế Dung Quất) đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè tại khu vực này là mang tính tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Quảng Ngãi.
Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, sáng 23/4, huyện Bình Sơn tổ chức chi trả hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và vận động 86 hộ dân nuôi cá lồng bè ở khu vực cảng Dung Quất thuộc các xã Bình Đông, Bình Thạnh và Bình Thuận ngừng nuôi cá, tháo dỡ lồng bè với tổng số tiền hỗ trợ chi trả hơn 9 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách và hỗ trợ của doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất do chính quyền Bình Sơn kêu gọi vận động), gồm các khoản: hỗ trợ thiệt hại do cá nuôi chết, chuyển đổi nghề nghiệp, tiền đã đầu tư làm lồng bè trước đó...
Ông Nguyễn Kim Đức, (thôn Sơn Trà, xã Bình Đông), một trong những hộ nuôi cá lồng ở vùng biển này bày tỏ: Dù làm nghề nuôi hải sản ở đây đã lâu, có thu nhập khá từ nghề này nhưng giờ thực hiện chủ trương chung nên gia đình chấp nhận tháo dỡ lồng bè.
Ông Đức cũng cho biết hiện gia đình đã bắt đầu làm lồng bè và thả nuôi ở khu vực thôn Châu Me, xã Bình Châu. Một số thành viên khác trong gia đình sẽ quay lại làm nghề biển.
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay, ngoài yêu cầu ký cam kết, huyện sẽ thành lập một tổ gồm các lực lượng chức năng để theo dõi, giám sát và xử lý nếu phát hiện trường hợp thả nuôi trở lại.
“Người dân phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của chính quyền; nếu lén thả nuôi mà gặp sự cố dẫn đến cá chết như vừa rồi không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, tình trạng nuôi cá lồng bè tự phát trong vùng biển cảng Dung Quất thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tàu thuyền và việc xuất nhập hàng hóa, gây mất an toàn, an ninh khu vực cảng... Không chỉ vậy, những năm gần đây, việc nuôi cá gặp nhiều rủi ro, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người nuôi. Gần đây nhất là vào tháng 10/2018, hàng trăm tấn cá của các hộ nuôi trong khu vực này bị chết hàng loạt. Sau đó, UBND tỉnh và doanh nghiệp đã hỗ trợ cho các hộ nuôi có cá lồng bè bị chết hơn 1,1 tỷ đồng.