Quảng Ngãi: Chỉ đáp ứng neo đậu khoảng 1/3 tàu cá toàn tỉnh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài việc chưa hoàn thiện các tiêu chí về cảng loại I, loại II theo quy hoạch, hiện các cảng ở Quảng Ngãi chỉ đáp ứng được nhu cầu neo đậu của khoảng 1/3 tàu cá toàn tỉnh.

Hạ tầng yếu kém

Hồi cuối tháng 9/2022, ngư dân Phạm Thanh Tân (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) đưa tàu về tránh trú bão tại cảng neo trú Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) nhưng lại khá thất vọng vì nơi này đã kín chỗ.

Ngư dân đưa tàu vào neo đậu, trú tránh bão ở cảng neo trú Tịnh Hòa.
Ngư dân đưa tàu vào neo đậu, trú tránh bão ở cảng neo trú Tịnh Hòa.

“Bán cá xong là về cảng Tịnh Hòa, nhưng chỗ đó giờ chật nên phải về neo ở mé sông. Cứ chọn chỗ nào không có lũ xuống thì neo vào” - anh Tân cho hay.

Ngư dân Nguyễn Thành Chung (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) là chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ cũng không về neo đậu tại các cảng ở Quảng Ngãi bởi ra vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập, khiến tàu hư hỏng. Luồng lạch để tàu vào cảng không những chật hẹp mà còn cạn, dễ xảy ra tai nạn.

“Sau những ngày khai thác trên biển, chúng tôi cũng muốn về tỉnh để thuận lợi. Nhưng về các cảng Quảng Ngãi không đem lại hiệu quả so với cập cảng ở Đà Nẵng, Bình Định. Bởi vậy, mấy năm qua, tàu của tôi đánh bắt trở về đều cập cảng ở các tỉnh khác” - anh Chung chia sẻ.

Hiện các cảng ở Quảng Ngãi chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu neo đậu của tàu cá toàn tỉnh.
Hiện các cảng ở Quảng Ngãi chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu neo đậu của tàu cá toàn tỉnh.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có đội tàu lớn ở khu vực miền Trung với hơn 4.500 tàu cá lớn, nhỏ, trong đó khoảng 3.300 tàu có chiều dài trên 15m. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh này hiện có 5 cảng, trong đó 2 cảng cá là cảng Sa Huỳnh và cảng Tịnh Kỳ, 3 cảng neo trú tàu thuyền gồm: Lý Sơn, Mỹ Á và Tịnh Hòa, đảm bảo cho 1.750 tàu thuyền neo đậu, chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh.

Thực tế trong những năm qua, do nguồn kinh phí hạn chế, tỉnh Quảng Ngãi không cân đối được nguồn ngân sách nên hạ tầng các cảng cá ít được đầu tư, nâng cấp. Điều này dẫn đến hầu hết cảng chưa đáp ứng được các tiêu chí về cảng loại I, loại II theo quy hoạch.

Các tàu ít về địa phương để xuống cá mà thường đến những tỉnh lân cận.
Các tàu ít về địa phương để xuống cá mà thường đến những tỉnh lân cận.

Hạ tầng cảng cá còn thiếu và yếu như thế nên rất nhiều tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi không về địa phương để xuống cá, mà di chuyển đến các tỉnh lân cận hoặc ra phía Bắc. Mỗi năm, sản lượng hải sản qua các cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh.

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước và rác thải cũng là vấn đề khá nhức nhối. Tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), rác thải, nước thải, bốc mùi hôi thối.

Nước thải bốc mùi hôi thối ở cảng cá Tịnh Kỳ.
Nước thải bốc mùi hôi thối ở cảng cá Tịnh Kỳ.

Dọc cầu cảng, nhiều tàu cá đang được ngư dân vệ sinh, bơm nước rửa hầm cá đen ngòm, rồi xả thẳng xuống biển. Khu vực tập kết cá không đảm bảo vệ sinh do nước thải, chất thải. Trên cầu cảng, sau khi hoàn tất việc thu mua và vận chuyển cá, thì nước thải rửa cá, xác hải sản bị vứt xuống biển. 

Cần được đầu tư đồng bộ

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, việc xử lý nước thải ở các cảng cá trên địa bàn hiện nay vẫn là vấn đề bất cập. Lâu nay, tại các cảng chỉ xử lý nước thải bằng biện pháp lắng lọc.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cảng cá khiến khu vực này dễ bị ô nhiễm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cảng cá khiến khu vực này dễ bị ô nhiễm.

Do đó, để đáp ứng được vấn đề vệ sinh môi trường thì cần đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý này bằng các biện pháp hóa học, vi sinh. Có như thế mới đảm bảo được điều kiện tốt nhất cho việc mua bán các mặt hàng tươi sống cũng như nâng cao được chất lượng, giá cả hải sản sau khai thác.

Ông Trần Lê Hồng Sơn- Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Các cảng cá này đầu tư từ năm 2008, nên hệ thống xử lý nước thải là thu gom đưa về khu vực lắng lọc. Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí cảng cá loại II, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải vi sinh tự động và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu phần lớn ô nhiễm môi trường tại các cảng cá”.

Cảng cá Tịnh Kỳ đang được đầu tư nâng cấp.
Cảng cá Tịnh Kỳ đang được đầu tư nâng cấp.

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, các cảng cá cũng như khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh ít được đầu tư về hạ tầng. Do vậy, số lượng tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng cá của tỉnh, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như thẻ vàng mà EC đưa ra” - ông Hồ Trọng Phương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần