Chủ động chống xâm nhập mặn
Những năm trước, cứ vào độ tháng Giêng, người dân xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại góp tiền, cùng với chính quyền đắp 2 đoạn đập bổi bằng cát, cây dương liễu, phên tre, nứa, bạt nilon...để bảo vệ hàng trăm hecta đất nông nghiệp trước nguy cơ bị nước mặn xâm nhập, làm hại cây trồng.
Trải qua nhiều thập kỷ đắp đập bổi, đến tháng 8/2022, đập ngăn mặn sông Trà Bồng được đưa vào sử dụng với kinh phí 170 tỷ đồng đã mang lại niềm vui lớn cho người dân 6 xã, thị trấn của huyện Bình Sơn, trong đó có xã Bình Dương. Ngoài đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1.000ha đất nông nghiệp, công trình này còn phục vụ cho hoạt động công nghiệp của Khu kinh tế Dung Quất.
“Đập bổi trước kia thấp, thiếu kiên cố nên hiệu quả không cao. Mùa nắng, nước ngọt không đủ đẩy mặn, nước biển xâm nhập vào tận khu vực trồng lúa, hoa màu gây thiệt hại nặng. Bây giờ có đập lớn, vững chãi, giao thông đôi bờ sông lại thuận lợi nên bà con ai cũng mừng, yên tâm sản xuất”- ông Trần Nam (65 tuổi, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) chia sẻ.
Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn trong mùa khô năm 2024, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi - đơn vị được giao quản lý, vận hành đập ngăn mặn sông Trà Bồng - đã đưa ra phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.
Khi mực nước xuống thấp, đơn vị này sẽ áp dụng bơm nước tưới luân phiên cho các khu vực sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước phục vụ công nghiệp một cách hợp lý.
Xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) là địa phương nằm ở hạ lưu, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển, nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn. Cứ vào mùa khô, nước sông xuống thấp nên mỗi khi thủy triều dâng lên, nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh mương nội đồng, không thể bơm lên ruộng lúa cũng như tưới cho cây màu.
“Để ứng phó với tình trạng trên, xã khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống cây trồng chịu được hạn. Đồng thời, trữ nước ngọt ở các ao, mương, tưới phun tiết kiệm nước...”- Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều điểm nhiễm mặn nằm vùng ở hạ lưu sông, suối tiếp giáp biển; trong đó, 4 điểm nhiễm mặn gây ảnh hưởng lớn nằm ở cửa sông gồm: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu.
Thời gian qua, từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều công trình đê, kè biển, đập ngăn mặn như: đê biển huyện Lý Sơn, đập ngăn mặn sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn), đê Hòa Hà, đê Phổ Minh (thị xã Đức Phổ)... Hầu hết công trình đều đang phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, dự án đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước với tổng kinh phí 100 tỷ đồng cũng được tích cực triển khai để sớm đưa vào hoạt động, nhằm ngăn chặn triệt để xâm nhập mặn ở các nhánh lớn của sông Trà Bồng.
Năm 2024, tình trạng El Nino tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.
Do vậy, bên cạnh việc vận hành tốt các đập ngăn mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chống chịu hạn, tỉnh Quảng Ngãi đang tính toán giải pháp vừa đẩy mặn, giữ ngọt.
“Vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao là ở các cửa sông, nhưng những khu vực này đều đã được đầu tư xây dựng công trình đê, kè, đập ngăn mặn. Ngành chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung vận hành công trình đúng quy định, hạn chế xâm nhập mặn đi sâu vào bên trong. Đồng thời, tham mưu tỉnh đôn đốc các địa phương nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng; tăng cường trữ nước ngọt trong mương; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, hiện nay có 2 công trình ngăn mặn, trữ ngọt của TP Quảng Ngãi là đập Hiền Lương và đập Khê Hòa (TP Quảng Ngãi) đang bị hư hỏng, xuống cấp vì trải qua thời gian dài hoạt động nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa.
Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các khu vực này, Sở chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành thực hiện các giải pháp khắc phục tạm thời, tiến hành gia cường, gia cố tại những vị trí cửa cống bị hư hỏng, chống nước mặn tràn vào.