Trời chập choạng tối, 5 hộ dân với 24 nhân khẩu sống dưới chân núi Van Cà Vãi, thuộc tổ dân phố Làng Dầu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) khăn gói rời nhà, tìm nơi tá túc qua đêm.
“Sợ sạt lở nên phải qua nhà bà con ở tạm. Trời sáng còn thấy đường để chạy thoát thân, chứ tối thì chịu thua”, bà Đinh Thị Thẻo chia sẻ.
Từ nhiều năm trước, các vết nứt đã xuất hiện trên núi Van Cà Vãi và cứ dần nhiều thêm. Ở khu vực này, nguy cơ sạt lở rất cao, trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân dưới chân núi. Vào mùa mưa, chính quyền địa phương lại cắt cử lực lượng vận động, đưa người dân di dời, xen ghép nơi ở an toàn.
Theo người dân khu vực này, đây đã là mùa mưa thứ 4 liên tiếp họ phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì có thể bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào. Nhà cửa, chuồng trại ngay dưới điểm sạt lở, nên giải pháp bất đắc dĩ là phải tìm nơi ở tạm khi có mưa lớn kéo dài.
Trước đó, UBND huyện Sơn Hà đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức san ủi, tạm thời khắc phục điểm có nguy cơ sạt trượt từ đỉnh núi với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Dù vậy, đây chỉ là phương án khắc phục tạm thời, bởi vừa khắc phục điểm sạt lở này lại xuất hiện thêm điểm sạt lở mới.
Hiện tại, nhiều vị trí nứt mới trên thân núi đã được ghi nhận, một phần taluy dương đã bị trượt, khả năng cao sẽ xảy ra sạt lở nếu trời tiếp tục mưa nặng hạt trong thời gian tới.
Do vượt khả năng của địa phương nên UBND huyện Sơn Hà đã có báo cáo và chủ động kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, quan tâm hỗ trợ kinh phí khắc phục.
Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng Bùi Văn Ba thông tin: “Chính quyền địa phương triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn. Điều người dân mong mỏi nhất là được di dời đến nơi ở mới, an toàn để sớm ổn định cuộc sống”.
Theo UBND huyện Sơn Hà, trong đợt mưa lũ từ ngày 14-11 đến nay, huyện Sơn Hà đã di dời 30 hộ/107 nhân khẩu tại các điểm sạt lở núi Van Cà Vãi, núi Làng Bồ (thị trấn Di Lăng).
Riêng tại khu vực núi Van Cà Vãi, tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp vài năm trở lại đây, mặc dù huyện Sơn Hà đã san ủi, khắc phục điểm có nguy cơ sạt trượt từ đỉnh núi. Tuy nhiên trong đợt mưa lớn này núi tiếp tục sạt lở, địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, di dời dân. Cụ thể: Cầu Nước Lác (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) bị nước xói mòn gây sạt lở một bên mố cầu, cầu Nước Lố (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) bị ngã đổ hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu, nước làm xói lở sâu vào nền đường.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, địa phương đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền vận động người dân, kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện để khắc phục nhanh các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông.
Kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các huyện Sơn Hà vào ngày 17/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhận định, địa phương đã thực hiện tốt công tác ứng phó mưa lũ.
Theo ông Hiền, đối với các thiệt hại về các công trình hạ tầng địa phương, cụ thể là cầu, đường bị sạt lở lớn, trong đó có những công trình xây dựng rất lâu đã xuống cấp không đáp ứng chống lũ trong tình hình mới cũng như những vấn đề khắc phục thiên tai vượt quá khả năng địa phương, trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên khắc phục những vị trí quan trọng để sớm ổn định cuộc sống người dân.