Quảng Ngãi: Dân “sống mòn” vì dự án nghìn tỷ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise "treo" suốt 15 năm ròng đã đẩy hàng trăm hộ dân vào cảnh khổ sở, sống lay lắt trong chính ngôi nhà của mình vì xây chẳng được, sửa cũng chẳng xong.

Nhà đổ sập vì… chờ dự án

Ngày 8/7/2023, đang giữa trưa, một phần ngôi nhà ông Ngô Quang Sơn (75 tuổi, tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ đổ sập ngay vị trí giường ông nằm ngủ.

Phần nhà bị sập của ông Sơn đã được lợp tạm bằng tole.
Phần nhà bị sập của ông Sơn đã được lợp tạm bằng tole.

“Cũng là may mắn, lỡ sập vào ban đêm chắc khó thoát. Sau đó mấy đứa con mua tole về đóng, lợp đỡ. Mùa nắng mà nhà còn sập như thế, mùa mưa chắc kiếm chỗ khác, không dám ở đây”, ông Sơn bày tỏ.

Ngôi nhà ông Sơn đang ở đã có tuổi thọ hơn 30 năm, lung lay như chiếc răng sắp rụng bởi suốt thời gian dài không được sửa chữa do vướng quy hoạch.

“Dự án triển khai năm 2008, cuối 2009 tiến hành chi trả đền bù ruộng đất cho dân. Nhà tôi nằm ngay khu vực trung tâm dự án mà vẫn chưa được kiểm đếm. Mấy lần nghe nói đã lên kế hoạch kiểm đếm, đo đạc rồi chẳng thấy thực hiện. Nhiều nhà quanh đây đổ sập, hư hỏng nhưng chính quyền bảo là nằm trong vùng quy hoạch, không được làm gì, xây sửa chẳng được, chuyển đổi hay thế chấp cũng không”, ông Sơn cho biết.

Một ngôi nhà bị xuống cấp nặng sau thời gian dài không được tu sửa.
Một ngôi nhà bị xuống cấp nặng sau thời gian dài không được tu sửa.

Ông Sơn chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực Dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise (nay đổi tên thành Dự án Khu đô thị An Sơn) phải mòn mỏi sống trong khổ sở vì dự án “treo” quá lâu.

Dự án rộng gần 60ha, do Công ty cổ phần đầu tư khu du lịch - phim trường Vina làm chủ đầu tư, cấp phép năm 2008, với tổng vốn khoảng 1.200 tỷ đồng, nằm ở vị trí đắc địa khá đắc địa ở thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh), nay là phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi).

Về quy mô, dự kiến có khu nhà ở gồm, 237 nhà liền kề, 183 nhà biệt thự vườn và 56 bungalow khu công trình công cộng và 5 khu thương mại - dịch vụ. Đây là khu đô thị thương mại, dịch vụ và du lịch; phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân địa phương.

Theo kế hoạch, toàn bộ công trình hoàn thành sau 4 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2008). Nhưng đến 2011, dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng 12 ha, đạt 22%, với tổng chi phí bồi thường hơn 20 tỷ đồng.

Một khu vực thuộc dự án khu đô thị An Sơn.
Một khu vực thuộc dự án khu đô thị An Sơn.

Và hàng chục năm trôi qua, dự án cứ leo lắt, ruộng đất màu mỡ đã thu hồi rồi bỏ hoang, khoảng 160 hộ dân trong vùng quy hoạch sống thấp thỏm mỗi khi trời nổi gió vì nhà cửa xập xệ, hư hỏng.

Người dân dùng gạch "gia cố" mái nhà.
Người dân dùng gạch "gia cố" mái nhà.

“Đêm nằm lo nhà sập vì nhà xuống cấp quá rồi. Đến mùa mưa bão đêm không dám ngủ. Nếu công ty không làm được thì trả lại đất cho người dân để họ làm ăn”, ông Ngô Quang Thống (65 tuổi, tổ dân phố Liên Hiệp 2C, phường Trương Quang Trọng) bày tỏ.

Mái nhà ông Thống bị đổ sập trong trận mưa tháng 6/2023.
Mái nhà ông Thống bị đổ sập trong trận mưa tháng 6/2023.

Mảnh ruộng bị thu hồi để thực hiện dự án, không còn sinh kế bền vững, vợ ông Thống phải đi nhặt ve chai để mưu sinh qua ngày. Ông sức khỏe kém hơn ở nhà trông nom nhà cửa. Trận mưa vào tháng 6 vừa qua, mái nhà cũ nát của ông Thống cũng bị đổ sập.

Theo các hộ dân ở vùng này, ngoài nỗi lo nhà cửa đổ sập, họ còn phải đối diện với tình trạng ngập nước “trường kỳ” mỗi khi mưa lớn. Bởi khu vực xung quanh cũng đã bị đổ đất để thực hiện dự án khác, nước không còn đường thoát.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng Trương Thanh Thảo cho biết, phường đã đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ cho người dân có nhà bị sập nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Chưa có hồi kết

Sau nhiều năm không thực hiện và bị chính quyền nhắc nhở, năm 2014, chủ đầu tư dự án khu đô thị An Sơn xin gia hạn tiến độ và được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thời gian thực hiện từ 2014 đến năm 2018. Nhưng rồi, chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án.

Phối cảnh Dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise (nay đổi tên thành Dự án Khu đô thị An Sơn).
Phối cảnh Dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise (nay đổi tên thành Dự án Khu đô thị An Sơn).

Sau đó, các cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư khu du lịch - phim trường Vina đã thế chấp toàn bộ cổ phần cho PVcombank để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng. Năm 2019, chủ sở hữu dự án thay đổi sang nhóm cổ đông mới là công ty thành viên với 100% vốn Ngân hàng PVcomBank.

Năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư Khu du lịch - phim trường Vina kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, cho phép đơn vị tiếp tục triển khai dự án và sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá lại toàn bộ dự án để lên phương án tiếp tục triển khai theo quy hoạch, kiến trúc cũ hoặc thay đổi thiết kế, thay đổi quy hoạch nếu cần thiết để cho phù hợp với định hướng phát triển của dự án tại thời điểm này. Đồng thời, lập các thủ tục xin gia hạn thời gian đầu tư dự án.

Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn quyết tâm theo đuổi dự án trên. Cuối năm 2012, UBND TP Quảng Ngãi có tờ trình xin điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu đô thị An Sơn và được thông qua.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho biết, Dự án Khu đô thị An Sơn nằm trong nhóm dự án khu đô thị, khu dân cư có vốn ngoài ngân sách. Nhóm này hiện có hơn 100 dự án đang gặp vướng mắc vì giao đất không qua đấu giá, đấu thầu theo quy định. Tỉnh đã thống kê và lập danh sách, kiến nghị Trung ương tìm cách tháo gỡ.

“Về phía chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà đầu tư khảo sát, chuẩn xác năng lực và điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500, loại ra quy hoạch những phần vượt quá khả năng đầu tư và không phù hợp thực tế. Có thể nói là điều chỉnh theo hướng gọn lại, tăng tính khả thi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện”, ông Danh thông tin.

Vẫn chưa biết đến khi nào, người dân vùng Dự án Khu đô thị An Sơn mới chấm dứt cảnh "sống mòn".
Vẫn chưa biết đến khi nào, người dân vùng Dự án Khu đô thị An Sơn mới chấm dứt cảnh "sống mòn".

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi nhìn nhận, dự án kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng đến người dân trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi chờ hướng dẫn từ phía Trung ương, vẫn chưa thể kết luận dự án tiếp tục hay dừng lại.