Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Dè dặt tái đàn lợn vì sợ càng nuôi càng lỗ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lo sợ mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn âm ỉ, nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi dè dặt tái đàn vì càng nuôi càng lỗ.

Mấy chục năm chăn nuôi nhưng chưa bao giờ gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn (thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) phải chật vật vì dịch bệnh như vài năm gần đây. Bởi lẽ, năm 2021 và 2022, dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn trong chuồng phải tiêu hủy hoàn toàn. Gia đình bà lâm vào cảnh điêu đứng vì thua lỗ nặng.

“Trước kia trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 20 con, nhưng sau 2 năm liên tiếp bị dịch, tôi phải bỏ trống chuồng. Đầu năm nay bắt đầu nuôi lại nhưng chỉ nuôi cầm chừng với số lượng ít. Chẳng biết lứa này có gỡ lại được đồng vốn nào không”- bà Nhạn lo lắng.

Người dân chỉ dám nuôi cầm chừng vì sợ dịch bệnh tiếp tục làm thiệt hại nặng.
Người dân chỉ dám nuôi cầm chừng vì sợ dịch bệnh tiếp tục làm thiệt hại nặng.

Năm 2021, ông Nguyễn Liên (thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) mất trắng đến 1,6 tỷ đồng bởi dịch tả lợn châu Phi. Đến năm 2023, ông Liên tái đàn nhưng số lượng nuôi chỉ chừng một nửa so với trước kia.

“Sau khi lợn bị dịch bệnh chết, tôi cũng muốn đầu tư nuôi lại nhưng không có vốn vì bao nhiêu tài sản đã mất hết. Phải đến 2 năm sau, gia đình tôi mới nhận được tiền hỗ trợ gần 300 triệu đồng”- ông Liên tâm sự.

Sau một thời gian “treo chuồng” vì dịch bệnh, đầu năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ( thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) mua 8 con lợn giống về nuôi trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu.

Hộ chăn nuôi rắc vôi quanh chuồng để phòng ngừa dịch.
Hộ chăn nuôi rắc vôi quanh chuồng để phòng ngừa dịch.

“Tôi gọi cán bộ thú y đến tiêm vaccin phòng bệnh dịch tả cổ điển, vaccin E.coli, đồng thời thường xuyên vệ sinh, rắc vôi bột xung quanh chuồng. Cũng chỉ biết phòng trừ đến mức này thôi, lỡ có dịch bệnh thì đành chịu”- ông Thọ chia sẻ.

Theo tìm hiểu, số lượng đàn lợn tại xã Tịnh Sơn có dấu hiệu giảm mạnh so với trước. Trong đó, nhiều hộ nuôi lợn nái trước đây nuôi 4, 5 con nhưng bây giờ chỉ giữ khoảng 1, 2 con.

Lo sợ dịch bệnh, người dân dè dặt tái đàn và giảm quy mô nuôi so với trước.
Lo sợ dịch bệnh, người dân dè dặt tái đàn và giảm quy mô nuôi so với trước.

“Nếu như những năm trước phải tất bật với tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe cho lợn mẹ, lợn con… thì bây giờ lượng công việc giảm đi phân nửa”- bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Cán bộ Chăn nuôi – Thú y xã Tịnh Sơn dẫn chứng.

Theo bà Trang, virus gây dịch tả lợn châu Phi khó tiêu diệt và tồn tại được rất lâu trong môi trường. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh này vẫn âm ỉ và chưa thể dứt điểm. Trong 4 năm trở lại đây, hầu như năm nào địa phương cũng có hộ chăn nuôi xuất hiện dịch.

“Ngoài việc dịch bệnh xảy ra liên tục làm thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi không mặn mà phát triển đàn gia súc còn vì nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gấp 1,5 lần. Trong khi đó, giá heo thương phẩm bấp bênh nên lợi nhuận không có”- bà Trang nhận định.

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và lan ra nhiều tỉnh, thành. Riêng tại Quảng Ngãi, dịch bệnh xảy ra tại 12 huyện, thị xã, TP với hơn 7.300 hộ có lợn mắc bệnh. Tổng số lượng tiêu hủy gần 36.400 con, nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung dập dịch, khống chế lây lan cũng như tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng các chuồng nuôi, trang trại, gia trại nuôi đã bị nhiễm bệnh. Dẫu vậy, từ thời điểm đó đến nay, qua các năm bệnh vẫn thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi nên họ có tâm lý khá dè dặt khi tái đàn.

Để phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng và tham mưu sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành các quyết định về phòng chống các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản.

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có nguồn lực chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT như tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch…

Đối với những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ngành chức năng sử dụng ngân sách nhà nước chi theo định mức đã được quy định trong cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, góp phần giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt thiệt hại về kinh tế.