Ngày 26/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn ký ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cụ thể, đến năm 2025, Quảng Ngãi đón được hơn 1,3 triệu khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.780 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD), trong đó thu từ khách quốc tế đạt hơn 800 tỷ đồng.
Tổng số buồng lưu trú khoảng 5.200 buồng, trong đó có 1.500 buồng đạt chuẩn 3-5 sao, công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 55%. Tạo việc làm cho khoảng 21.900 lao động, trong đó có khoảng 7.300 lao động trực tiếp.
Đến năm 20230, Quảng Ngãi đón được trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó, 250.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.825 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD), trong đó, thu từ khách quốc tế đạt khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 82,5 triệu USD).
Tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 11.000 buồng, trong đó có khoảng 3.000 buồng lưu trú đạt chuẩn 3 - 5 sao và tương đương; công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 60%/năm. Tạo việc làm cho khoảng 49.500 lao động, trong đó có khoảng 16.500 lao động trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ngãi xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phát triển du lịch.
Đồng thời đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch dựa trên 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nông nghiệp; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp, thương mại và giao thông trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”.
Liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với các tỉnh/thành phố trong nhóm Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhóm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên... tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nội địa, nhất là thị trường truyền thống là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; thị trường khách công vụ đến làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh; mở rộng liên kết với các tỉnh/thành phố lân cận như Đà Nẵng và Quảng Nam.
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng nâng cao sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch, thu hút du khách; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu, điểm du lịch. Trong đó, tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp và hiệu quả.
Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành khu vực động lực phát triển du lịch Dung Quất – Lý Sơn với các khu du lịch, tổ hợp du lịch - giải trí có chất lượng, quy mô lớn, thúc đẩy, lan tỏa; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển.
Tiếp tục phát triển mạnh 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; lấy du lịch biển, đảo Lý Sơn làm mũi nhọn và là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tối ưu hóa và đẩy mạnh quảng bá để sử dụng rộng rãi App Du lịch Quảng Ngãi; xây dựng nội dung và phát triển các kênh mạng xã hội cộng đồng như Facebook, Tiktok, Youtube...; xây dựng, sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến du lịch.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch…