Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Những nguy cơ từ việc trộm cắp điện

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đấu nối, câu móc để trộm cắp điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện, đồng thời gây sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng.

Thời gian qua, nhiều vụ trộm cắp điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được phát hiện và xử lý. Trong đó, không ít vụ việc có hình thức trộm cắp khá mới và được chuẩn bị kỹ để đối phó với lực lượng kiểm tra.
 Hiện trường một vụ trộm cắp điện.
Theo thông tin từ Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện (Điện lực TP Quảng Ngãi), gần đây, tổ liên tục phát hiện khách hàng trộm cắp điện. Đơn cử như một khách hàng đã có hành vi trộm cắp điện bằng cách đấu nối trực tiếp vào đường dây trước công tơ để sử dụng điện, chỉ cho một phần nhỏ lượng điện năng qua hệ thống đo đếm.
Hoặc mới đây, tại thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), ngành điện đã kiểm tra, phát hiện một trường hợp khách hàng có hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố La Vân, phường Phổ Thạnh có hành vi cắt chì niêm kỹ thuật công tơ, can thiệp vào hệ thống đo đếm điện năng để trộm cắp điện sử dụng cho sinh hoạt của gia đình và phục vụ kinh doanh dịch vụ internet.
Thống kê của những đợt kiểm tra cho thấy, đối tượng trộm cắp điện thường sử dụng các hình thức như: Câu móc trực tiếp trước đồng hồ điện, câu thẳng vào tủ điện của các trạm biến áp, can thiệp vào hệ thống mạch đo làm sai lệch sơ đồ nguyên lý hoạt động hệ thống đo đếm...
Những trường hợp lấy cắp điện được chia làm 2 dạng, đó là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở khu vực xa nơi dân cư, trình độ hiểu biết còn hạn chế, tự ý đấu nối để sử dụng điện; dạng thứ 2 là doanh nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn để phục vụ sản xuất kinh doanh tự ý đấu nối điện để sử dụng điện không mất phí.
Đối tượng thực hiện hành vi trên thường là những người hiểu biết về chuyên môn ngành điện, sử dụng những phương thức, thủ đoạn trộm cắp điện tinh vi và khó phát hiện, tập trung vào việc lợi dụng thời gian ban đêm, các ngày thứ Bảy, Chủ nhật để thực hiện hành vi trộm cắp hoặc khi thực hiện hành vi trộm cắp bố trí rất nhiều “đồng phạm” cùng thực hiện, phân công cụ thể từ cảnh giới đến thực hiện hành vi…
Theo lãnh đạo PC Quảng Ngãi, hành vi trộm điện phổ biến là phá chì niêm tại công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, có trường hợp câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, có trường hợp lấy điện từ aptomat tổng của trạm biến áp. Điều này làm cho đối tượng đấu nối, câu móc điện có thể gặp tai nạn điện bất cứ lúc nào, đồng thời gây sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng.
Trước tình hình trộm cắp điện diễn biến phức tạp, PC Quảng Ngãi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra và tuyên truyền phòng chống vi phạm sử dụng điện.
Theo quy định, hành vi thuộc loại trộm cắp điện gồm: Tự tiện nối dây lấy điện trên hệ thống điện; Dùng điện không qua công tơ; Cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện; Dùng phương thức thay đổi dây nối dẫn đến công tơ ghi không chuẩn hoặc không ghi để dùng điện; Tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện; Áp dụng các phương thức, phương pháp khác để lấy cắp điện.
Về xử lý hành vi trộm cắp điện, cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện dưới 20.000 kWh phải bồi thường và bị phạt tiền theo quy định.
Cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện trên 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự.