Góp tiền nạo vét, khơi thông
Mấy ngày qua, người dân thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) rủ nhau góp tiền, thuê phương tiện cơ giới tiến hành nạo vét, khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền dễ ra, vào.
Ngư dân Đỗ Đô Thành (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) có một chiếc thúng máy để đánh bắt gần bờ, cứ sáng đi biển chiều vào bờ, chủ yếu đi câu, đi lưới nổi. Theo ông Thành, càng ngày, việc ra, vào neo đậu càng khó khăn hơn do luồng lạch cạn.
“Phải đợi thủy triều lên mới vào được trong bờ, còn không là bị mắc cạn. Tàu lớn phải đưa về các nơi như xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn hay xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi để trú”, ông Thành cho biết.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ngư dân, bắt đầu vào mùa mưa bão, nhiều phương tiện khai thác hải sản bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại kinh tế vì khu vực này chỉ cần gió cấp 5, cấp 6 là có sóng lớn, đánh thủng ghe, thúng, hoặc làm gãy chân vịt.
Tại thôn An Cường (xã Bình Hải), người dân cũng góp tiền thuê phương tiện cơ giới để tiến hành nạo vét khu vực vũng neo đậu tàu thuyền và làm kè chắn sóng.
Cách bờ biển chừng vài trăm mét, một kè chắn sóng đã thành hình, nối từ phía Bắc gành đá chạy dọc ra biển dài hơn 100m, cao chừng 2m kể từ mặt nước. Hàng chục mét gành đá ven biển bị tàn phá, ngổn ngang đá đen và cả những rạn san hô bị múc lên.
Theo ngư dân Đỗ Ngọc Tài (thôn An Cường, xã Bình Hải), kè chắn sóng và con lạch này do dân góp tiền làm. Tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng, trong đó tiền của dân 150 triệu đồng, còn lại của UBND xã Bình Hải.
“Mấy năm trước, bà con góp tiền làm con lạch nhưng bị bão số 9 (tháng 9/2020) đánh tan mất. Năm nay, dân thuê máy đào để phá gành đá làm bờ kè và con lạch, nếu không thì thuyền thúng ra vào bị va trúng đá, gây hư hỏng”, ông Tài nói.
Nguy cơ phá cảnh quan và hệ sinh thái
Chừng vài năm trở lại đây, đá bàn, đá san hô ở các vũng neo đậu xã Bình Hải ngày càng nhiều, cản trở di chuyển của tàu, thuyền mỗi khi ra vào biển. Hàng năm, người dân địa phương đóng góp ngày công, kinh phí để khai thông luồng lạch, gia cố kè chắn sóng, nhưng sau mỗi mùa mưa bão thì khu vực này trở lại như cũ.
Việc người dân nạo vét thông luồng và làm kè chắn sóng dù tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc phá vỡ cảnh quan và làm ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, ở thôn An Cường, gành đá lâu nay là thành trì án ngữ, giúp bờ biển không bị sạt lở. Nếu dùng máy móc đào bới xuống nền đá, rất dễ dẫn đến nguy cơ biển xâm thực vào sâu bên trong đất liền.
Trước tình trạng xâm hại bờ biển và các rạn san hô, nhiều người cho rằng, cần phải có phương án khác để giải quyết hài hòa giữa việc thuyền thúng của ngư dân vào được bờ neo đậu nhưng không gây ảnh hưởng đối với môi trường biển.
Theo ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải, nhiều năm qua, người dân các làng biển luôn kiến nghị làm kè chắn sóng, tạo lạch nước cho thuyền thúng ra vào. Những năm trước, bà con cũng tạo lạch nước bằng thủ công để thuyền thúng ra vào biển thuận lợi, nhưng năm ngoái đã bị bão làm hư hỏng.
Trước nguyện vọng chính đáng của dân, UBND xã Bình Hải đã đồng ý về mặt chủ trương và hứa hỗ trợ kinh phí để làm lạch ra vào, nhưng không phải thời điểm bây giờ mà vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện có một đơn vị đang thi công công trình trên địa bàn nên người dân tranh thủ thuê máy để làm.
Việc nạo vét, thông luồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác hải sản nhưng lại có nguy cơ ảnh hưởng môi trường biển. |
“Chúng tôi sẽ kiểm tra lại hiện trường. Nếu việc này làm hư hỏng san hô biển và bờ biển thì sẽ cho dừng lại. Chính quyền xã sẽ giải thích cho dân hiểu về lợi ích lâu dài. Ngư dân sống ở gành biển thì dựa vào gành biển, chứ không phải phá gành ra để đậu thúng, đậu ghe”, ông Thính khẳng định.