Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi tính dùng thợ lặn và robot để khảo sát tàu cổ đắm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quảng Ngãi xây dựng phương án khảo sát kết hợp giữa thợ lặn và robot lặn, sử dụng đèn soi chiếu dưới nước công suất lớn kết hợp camera bề mặt hiện trạng đáy biển để khảo sát tàu cổ đắm.

Ngày 21/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn ký văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề xuất phương án khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn).

Lực lượng chức năng thu giữ hiện vật do ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải)
Lực lượng chức năng thu giữ hiện vật do ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển thôn Phước Thiện (xã Bình Hải)

Theo đó, Quảng Ngãi đề xuất vị trí thăm dò, khảo sát tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Phước Thiện với diện tích 10.000m2, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày bắt đầu được phép khảo sát.

Với đặc thù vị trí tàu cổ đắm nằm cách xa bờ 3 hải lý, độ sâu trên dưới 60m, trong vùng dòng hải lưu trôi chảy mạnh nên việc thi công khảo sát, thăm dò cần có đội thợ lặn chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp.

Quảng Ngãi xây dựng phương án khảo sát kết hợp giữa thợ lặn và robot lặn, sử dụng đèn soi chiếu dưới nước công suất lớn kết hợp camera bề mặt hiện trạng đáy biển để khảo sát tàu cổ đắm.

Dựa trên hình ảnh cung cấp, cán bộ kỹ thuật ra quyết định và hướng dẫn thợ lặn các bước tiếp theo. Kết quả khảo sát là cơ sở để thành lập hội đồng đánh giá và xây dựng phương án khai quật, thu hồi toàn bộ cổ vật trên tàu.

Mục tiêu của việc thăm dò nhằm xác định tọa độ, hình dạng, kích thước, trữ lượng hàng hóa trên tàu để có phương án khai quật khảo cổ học tàu cổ đắm ở Phước Thiện theo đúng luật định và quy trình nghiên cứu khảo cổ học dưới nước.

Trước đó, ngày 17/5, lực lượng tuần tra Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS có dấu hiệu hoạt động không đúng ngành nghề trên biển thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, cách bờ khoảng 3 hải lý.

Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu có 33 đĩa gốm sứ và 7 tô trên tàu. Số hiện vật trên do các ngư dân trên tàu khai thác ở vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải. Kết quả thẩm định của chuyên gia cho thấy các hiện vật đều là cổ vật thời Minh - Thanh.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi- Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, số gốm sứ thu được gồm 3 loại: Loại đồ celadon men ngọc ám họa và vẽ ánh vàng trên men, một số loại men trắng; loại đồ gốm men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô và loại đồ gốm men trắng vẽ hoa màu đỏ gạch.

Các hiện vật gốm sứ có niên đại ở thế kỷ 16-17.
Các hiện vật gốm sứ có niên đại ở thế kỷ 16-17.

Hiện vật gốm sứ có nguồn gốc từ các lò gốm Chương Châu, vùng Nam Trung Hoa có niên đại ở thế kỷ 16-17, thuộc giai đoạn Minh - Thanh.

Để bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, huyện Bình Sơn, Lý Sơn triển khai công tác bảo vệ an toàn, an ninh trật tự khu vực phát hiện di sản văn hóa dưới nước; tăng cường tuần tra, bảo vệ, khoanh vùng ngăn chặn việc trục vớt trái phép các cổ vật trong khu vực.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, vùng biển huyện Bình Sơn được các nhà nghiên cứu nhận định có nhiều di vật, cổ vật, tàu đắm chưa được tìm thấy, phát hiện.

Từ năm 2012-2014, tỉnh đã tổ chức khảo sát, thăm dò khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước ở hai vùng biển Châu Thuận Biển và Vũng Tàu. Trong năm 2017-2018, Bộ VH-TT &DL tổ chức khảo sát, thăm dò, khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Dung Quất.

Việc khảo sát, thăm dò và khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước vùng biên xã Bình Hải trong năm 2023 là nhiệm vụ phát sinh, nằm ngoài chương trình, kế hoạch công tác của UBND tỉnh; đồng thời, nguồn ngân sách của địa phương và đội ngũ cán bộ, chuyên gia về khảo cổ học còn hạn chế nên tỉnh Quảng Ngãi không bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này trong năm 2023.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, để gìn giữ, bảo vệ giá trị di sản văn hóa dưới nước theo quy định, UBND tỉnh Quảng Ngãi  đề nghị Bộ VVH-TT&DL quan tâm xem xét, phê duyệt Phương án, bố trí ngân sách Trung ương và giao cơ quan, đơn vị thuộc bộ chủ trì khảo sát, thăm dò, khai quật trục vớt di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển thôn Phước Thiện nhằm gìn giữ, bảo vệ di sản theo quy định.