Làn sóng FDI đầu tư vào Quảng Ninh tạo sức bật phát triển kinh tế
Có thể nói, năm 2023 là năm Quảng Ninh cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước vừa mới vực dậy sau đại dịch Covid – 19. Nhưng ngay từ những ngày đầu năm tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của BCH Đảng bộ "về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023" xác định rõ mục tiêu tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư FDI đạt trên 1 tỷ USD, tương đương 24.000 tỷ đồng để đầu tư vào khu vực các KCN, KKT.
Thống kê từ Ban Quản lý KCN tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn các KCN, KKT tỉnh năm 2023 đạt 114.329,06 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn FDI đạt 3.102,8 triệu USD tương đương 72.910,5 tỷ đồng, bằng 258,6% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện cấp Giấy CNĐKĐT/Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 23 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI đạt vốn đầu tư tăng thêm 5 triệu USD.
Đối với các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo…có 3 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Đến hiện tại đã có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Quảng Ninh trong 8 tháng đầu 2023. Singapore dẫn đầu cả về số dự án cấp mới, thu hút 4 dự án có tổng vốn đầu tư 271 triệu USD; Đài Loan (170 triệu USD, chiếm 22,5%), Thụy Điển (154 triệu USD, chiếm 20,4%). Chưa kể đến các nhà đầu tư truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…
Tại các KCN, KKT đạt 729,85 triệu USD, chiếm 96,7% tổng vốn FDI thu hút trên địa bàn, điển hình khu kinh tế ven biển thị xã Quảng Yên cơ quan chức năng vừa cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy hoá dầu Stavian với tổng vốn đầu tư 36.034,94 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 164 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,57 tỷ USD.
Trong đó, có 104 dự án thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,34 tỷ USD, 60 dự án thực hiện ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,23 tỷ USD. Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu với 49 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 3,81 tỷ USD, Nhật Bản (trên 2,34 tỷ USD, Hoa Kỳ gần 2,31 tỷ USD.
Tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định
Thống kê của Sở LĐTB & XH đến nay trên địa bàn toàn tỉnh số lao động tìm được việc làm mới đạt con số khá cao 19.369 người (đạt 96,85 % kế hoạch).
Như vậy tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có tổng 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD, là nơi làm việc của gần 20.000 lao động. Với số vốn thu hút FDI đạt hơn 3,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu trong số các tỉnh, TP trên cả nước về thu hút FDI, tiếp đó là TP Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Giang.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Quảng Ninh luôn ưu tiên thu hút đầu tư các DN nước ngoài, ưu tiên lựa chọn khu vực thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo ra các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... bám sát định hướng không gian phát triển Một tâm, Hai tuyến, Đa chiều, Hai mũi đột phá, ba vùng động lực, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.
Bên cạnh đó là gắn kết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của DN, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hình ảnh thân thiện trong đội ngũ cán bộ, công chức…
Có thể nói, làn sóng thu hút FDI tại Quảng Ninh đã mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Điều này chính là nhờ công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư. Với nền tảng vững chắc đó, ở giai đoạn tháng cuối cùng của năm, làn sóng đầu tư về tỉnh sẽ tiếp tục tăng, kỳ vọng vị trí dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI năm 2023, góp phần quan trọng để Quảng Ninh vững tin là năm thứ 8 tăng trưởng 2 con số với nhiều thành tựu nổi bật trên các mặt.
Từ nay đến hết năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư.
Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, tìm các giải pháp giữ chân người lao động hiện đang làm việc tại tỉnh…