Tuy nhiên, chính quyền và Nhân dân nơi đây vẫn canh cánh nỗi lo ô nhiễm môi trường. Sống chung với ô nhiễm Đến Quảng Phú Cầu ngày nay là sự sầm uất của làng nghề “ăn nên làm ra”. Song, đồng hành với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Trên các tuyến kênh mương, ao, hồ luôn bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Mặt nước đen kịt, đặc sánh, có chỗ bị tắc nghẽn bởi rác thải ứ đọng. Trung bình mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, tre, nứa. Nếu trước đây, lượng chất thải này được chủ sản xuất bán lại với mục đích đốt lò, làm vật liệu đun bếp thì nay nhu cầu tái sử dụng đã không còn giá trị. Đó là chưa kể nước thải từ các công đoạn ngâm, tẩm màu, hóa chất vầu, tre, nứa càng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Người dân nơi đây đang phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm, nhất là bụi của mùn vầu, tre, nứa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 tấn vầu, tre, nứa từ các nơi được chuyển về Quảng Phú Cầu để sản xuất tăm hương. Theo kinh nghiệm của người làm nghề, cứ 100kg nguyên liệu thì thu được 25kg tăm hương thành phẩm, còn lại là phế liệu. Dù trên địa bàn xã có gần 50 gia đình lắp đặt lò sấy nguyên liệu, song hoạt động của các lò này lại xuất hiện những vấn đề không ổn. Đó là do những lò sấy thủ công thường có ống khói thấp, lại nằm xen lẫn khu dân cư nên hơi nóng, khói và tro bụi vẫn xả ra không khí ngùn ngụt mỗi khi hoạt động. Loay hoay tìm hướng xử lý Toàn xã Quảng Phú Cầu có hơn 3.500 hộ dân, trong đó có tới 70% số hộ làm nghề tăm hương. Nhờ làm nghề mà hàng nghìn lao động địa phương có mức thu nhập ổn định, trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, chính quyền và người dân xã Quảng Phú Cầu phải loay hoay với bài toán xử lý ô nhiễm môi trường. Ông Lê Văn Dịu – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có duy nhất lò sấy hơi nước của hộ gia đình anh Lê Văn Biểu tại thôn Phú Lương Thượng là đảm bảo. Còn lại, hàng chục lò sấy thủ công vẫn đang nhả khói ngày đêm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Theo các hộ dân nơi đây, nếu sấy nguyên liệu tăm hương bằng công nghệ hơi nước sẽ ít gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chi phí để xây dựng một lò sấy hơi nước lên tới 400 triệu đồng khiến người dân e dè quyết định đầu tư. Mới đây, Quảng Phú Cầu được huyện Ứng Hòa phê duyệt quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung, diện tích 10ha tại thôn Cầu Bầu để di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Song, đến nay, xã mới huy động được một vài hộ đến cụm công nghiệp làng nghề tập trung hoạt động. Cùng với đó, huyện Ứng Hòa đã triển khai dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề” với công suất 5 tấn/ngày tại Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, dự án vẫn đang trong giai đoạn thí điểm nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý rác thải của làng nghề. Do đó, để cải thiện môi trường ở Quảng Phú Cầu, người dân mong được các cấp chính quyền TP quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xây dựng và chuyển giao công nghệ lò sấy hơi nước cho các hộ làm nghề. Chỉ khi công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất, làng nghề mới phát triển bền vững với môi trường trong lành.
Phế liệu là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Phú Cầu. Ảnh: Minh Trường |