Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 6-14/10, trên địa bàn tỉnh có mưa với cường suất lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn theo từng đợt, lũ trên các sông lên rất nhanh gây ngập lụt sâu, trên diện rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu năm 1983, đỉnh lũ trên sông Ô Lâu đã vượt đỉnh lũ năm 2009; vùng biển tỉnh Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 và sóng lớn từ 2 - 4m.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ trong những ngày qua, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị ngập, cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát.
Đồng thời tiếp tục triển khai cụ thể hóa các phương án ứng phó với diễn biễn mưa lũ, ngập lụt hiện đang xảy ra trên địa bàn tỉnh và sẵn sàng các nguồn lực để chủ động ứng phó với các đợt bão, mưa lũ tiếp theo.
Trên địa bàn tỉnh có 40.988 hộ với 125.463 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 8.261 hộ với 25.332 người đến các khu vực an toàn. Trong đợt ngập lụt tăng thêm diện ngập từ ngày 12 - 13/10, theo báo cáo nhanh của địa phương, toàn huyện Hải Lăng có 16.875 hộ ngập từ 0,2 - 3 m, huyện Gio Linh ngập từ 0,3 - 0,5m là 477 hộ. Số hộ ngập lụt, sạt lở có khả năng phải di dời tại huyện Hướng Hóa là 814 hộ/3.525 khẩu.
Về kết quả công tác tìm kiếm cứu nạn đến 12 giờ ngày 11/10, tổng số người được tìm kiếm, cứu nạn là 19 người. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn tỉnh đã có 12 người chết, 3 người chưa tìm ra tung tích, 4 người bị thương. Có 78 nhà ở bị thiệt hại. Nhiều trường học bị nước vào ngập sâu tại các phòng chức năng, phòng học…
Về sản xuất nông, lâm nghiệp, diện tích lúa bị ngập, bồi lấp là 249 ha. Gia súc các loại bị chết, cuốn trôi là 1.333 con. Gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi trên 282.000 con. Diện tích hoa màu các loại bị ảnh hưởng là 1.593,05ha. Diện tích cây trồng hằng năm bị thiệt hại là 447,5ha. Diện tích cây ăn quả bị thiệt hại là 224,7ha. Diện tích cây lâm nghiệp bị gãy đổ là 9 ha. 2.708,7 tấn lúa, 40 tấn gạo, 34,8 tấn khoai, sắn, ngô bị ngập, cuốn trôi. 11,5 tấn thức ăn gia súc, gia cầm và 28,5 tấn phân bón bị ướt, hư hỏng. Nhiều chuồng trại chăn nuôi, máy xay xát lúa, trạm bơm HTX bị ngập, hư hỏng.
Các tuyến quốc lộ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ở Quốc lộ 15D. Tuyến Quốc lộ 9D giao thông tương đối thông suốt, chỉ có đất lấp mặt đường, lấp tắc hệ thống rãnh, một số nơi bị xói lở. Tuyến Quốc lộ 49C ngập nhiều đoạn tuyến, ách tắc giao thông.
Tuyến Quốc lộ 9 sạt lở nhiều đoạn, đặc biệt tại vị trí km 51+00 (Hướng Hóa), km 50+150 (Đakrông) gây ách tắc giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại vị trí km 176 và km 186 (Hướng Hóa); tại km252, km255, km267, km273 (Đakrông) bị sạt lở. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn có nơi hư hỏng, ngập nước, ách tắc giao thông và đang được khẩn trương khắc phục.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã có công điện khẩn về các địa phương chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo kích hoạt tất cả các hệ thống phát thanh ở vùng nông thôn để tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, không được chủ quan trước mưa lũ.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung cứu người. Để đảm bảo tính mạng của nhân dân, tỉnh đã huy động tối đa các lực lượng di dời người dân ở những vùng thấp trũng, ngập lụt, sạt lở, vùng có nguy cơ cao về nơi an toàn; hỗ trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm không để bà con đói rét.