Thiệt hại lớn vì mưa bão liên tiếp
Ảnh hưởng của bão số 13 đã gây sạt lở, kéo sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân ven biển thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Rất may thời điểm đó người dân đã kịp thời sơ tán tránh bão. Người dân sống gần khu vực này rất bất ngờ vì chưa khi nào có một đợt sạt lở lớn như thế này xảy ra. Chỉ sau 1 đêm, bờ biển Gio Hải kéo dài khoảng 6km bao gồm kè biển đã bị biển nuốt chửng.
Bà Nguyễn Thị Dung (63 tuổi, thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết, quán bán hải sản ven biển của gia đình bà nằm sát bờ biển bị sạt lở kéo sập toàn bộ dãy bên ngoài, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo bà Dung, sạt lở kéo đi khoảng 20m đất tính từ bờ ra mặt biển. Ngoài ra dọc bờ biển Gio Hải, sạt lở ăn sâu vào từ 5 - 10m.
“Cơn bão này làm sóng cuốn cả ngôi nhà trôi ra biển. Khoảng 3 - 4 giờ sáng sạt lở kéo sập cả quán ra biển, dù có kè nhưng sóng biển vẫn kéo đất ra nhiều quá. Triều cường lên xấp xỉ nhà 4 - 5m, cả ngôi nhà bị sóng lôi ra biển, chỉ còn mái hiên. Người dân lo quá”, bà Dung thở dài, nói.
Sóng lớn ngoạm bờ biển kéo nhiều cây dương to lớn đổ sập xuống và bị cuốn đi, nhiều mảng bê tông lớn, trụ bê tông của kè biển cũng bị đánh sạt xuống biển.
Ông Nguyễn Viết Nam - Chủ tịch UBND xã Gio Hải cho biết, mọi năm theo quy luật tự nhiên, biển sạt nhẹ rồi bồi vào theo mùa. Còn lần này biển lôi đi một khu vực đất quá lớn ăn sâu 5 - 10m, kéo dài gần 6km, có nơi thủy triều nuốt chửng gần 30m đất trên bờ. Theo ông Nam, có khoảng 15 hàng quán của người dân ven biển xã Gio Hải bị đánh sập hoàn toàn, một số nơi quán chỉ còn nằm cách mép nước biển vài mét.
“Nếu sạt lở như thế này, thuyền ngư dân không đưa xuống được để đi sản xuất trên biển. Nơi đây cũng có 18 hàng quán kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm, sạt lở thế này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh doanh dịch vụ của bà con. Mong muốn và đề nghị UBND tỉnh, sở ban ngành và trung ương hỗ trợ địa phương xây dựng lại tuyến kè”, ông Nguyễn Viết Nam cho hay.
Do ảnh hưởng của bão số 13, tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng hơn 600 trạm biến áp tại 55 xã chưa khôi phục được, làm gián đoạn cung cấp điện. Mưa bão tại tỉnh Quảng Trị làm 7 người bị thương, hơn 700 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Một số trường học bị tốc mái, nhiều cây xanh gãy đổ trong đó có gần 60 ha cao su. Hiện nay, các địa phương tại tỉnh Quảng Trị đang khắc phục hậu quả mưa bão, sửa sang lại nhà cửa, trụ sở, trường học, dọn dẹp cây xanh gãy đổ.
Đưa học sinh trở lại trường học
Trong ngày 16/11, toàn bộ học sinh tại tỉnh Quảng Trị đã đi học trở lại. Học sinh và giáo viên trường Tiểu học và THCS Hướng Việt trở lại việc dạy và học sau đúng 1 tháng nghỉ do mưa lũ. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tý cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường ở cấp tiểu học là 94,7%, trung học là 84,6%.
“Nghỉ học dài ngày khiến một số học sinh chưa sẳn sàng trở lại lớp”, thầy Tý cho biết. Trước đó, giáo viên nhà trường đã đến các thôn bản để vận động học sinh trở lại trường. Nhà trường lên kế hoạch dạy chéo buổi, 1 buổi học chính và 1 buổi học bù cho đến khi kịp chương trình.
Thời gian vừa qua, học sinh trong trường nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều đơn vị, cá nhân tặng quà, sách vở, áo quần, dụng cụ học tập. Trong khi đó, cán bộ, giáo viên vừa phải dạy học, vừa tranh thủ khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp bùn đất còn sót lại, thông tắc nhà vệ sinh…
Tương tự, trường Mầm non xã Hướng Việt cũng trở lại dạy học cùng thời điểm. Vào đêm 17 rạng sáng 18/10, một cơn lũ quét tràn về khiến trường 2 trường học ở xã Hướng Việt ngập trong bùn từ 0,5 đến 1,2m. Sau lũ quét, xã Hướng Việt bị cô lập với trung tâm huyện Hướng Hóa đến hơn 3 tuần. Tuần trước, 300 đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Trị có mặt ở 2 ngôi trường này, giúp dọn dẹp bùn đất để trường trở lại việc dạy và học.
Đây là 2 ngôi trường cuối cùng của tỉnh Quảng Trị trở lại dạy học sau đợt mưa lũ tháng 10/2020.
Ảnh hưởng của mưa bão khiến khoảng 200 trường học với gần 310 điểm trường bị ngập lụt, gần 14.000 bộ sách giáo khoa bị ướt, cuốn trôi và gần 40.000 cuốn vở bị ướt, không sử dụng được, thiệt hại về cơ sở vật chất gần 100 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Có một số trường học tốc mái, gãy đổ cây xanh ở huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng. Các đơn vị, trường học đã huy động lực lượng tại chỗ, đồng thời nhờ vào sự hỗ trợ của để khắc phục hậu quả lũ lụt và bão số 13, nhanh chóng tổ chức hoạt động dạy học trở lại bình thường. Hiện nay các trường trong toàn tỉnh đã trở lại dạy và học đạt 100%”.