Ngày 17/2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị vừa có báo cáo nhanh về công tác ứng phó không khí lạnh gây mưa trên địa bàn.
Hiện tại, 126 đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó các hồ chứa thủy lợi trọng điểm đạt tổng dung tích trung bình khoảng 97% so với dung tích thiết kế, hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện đạt khoảng 83%. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Do ảnh hưởng, đã có hơn 2.084ha lúa đang trong thời kỳ ra nhánh bị ngập úng từ 0,3 - 0,5m. Trong đó, huyện Hải Lăng trên 1.960ha và huyện Triệu Phong là 116ha lúa bị ngập. Hiện tại, diện tích lúa bị ngập úng còn khoảng 1.460ha.
“Ngành nông nghiệp của huyện đã chủ động phương án hộ đê, gia cố các đoạn đê xung yếu, nâng cao trình các đoạn đê bị tràn. Đồng thời, khoanh vùng, gia cố bờ vùng, bờ thửa để tiêu úng phù hợp”, ông Đức cho biết thêm.
Hiện nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện này đang vận hành 100% công suất các trạm bơm điện và huy động trên 50 máy bơm dầu để phục vụ tiêu úng, cứu vụ lúa. Tuy nhiên, do mực nước trên các sông đang cao nên công tác tiêu úng đang gặp khó khăn. Dự kiến ngày 20/2, toàn bộ diện tích ngập úng cơ bản được giải quyết.
Một năm về trước, vào tháng 3/2022, huyện Hải Lăng cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề khi phải hứng chịu đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử. Đợt thiên tai này, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 11.600ha lúa và gần 5.200ha hoa màu bị gãy đổ, hư hại. Tổng mức thiệt hại do đợt mưa lũ dị thường gây ra tại tỉnh này ước tính gần 800 tỉ đồng.
Trong đó, huyện Hải Lăng là thiệt hại nặng nề nhất với trên 6.300ha lúa bị ngập, 200ha thủy hải sản bị thiệt hại, hơn 800 hộ bị ngập úng.