Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quen dần với cuộc chơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam và 11 quốc gia, vùng lãnh thổ đã kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); một loạt các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia điều tra chống bán phá giá… là những sự kiện được khá nhiều người quan tâm tuần qua.

Những sự kiện này, nhìn qua gần như chẳng mấy liên quan tới nhau, nhưng thực tế lại khác. Trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu thì việc các quốc gia sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi DN phải chủ động, luôn sẵn sàng cho việc bị kiện bán phá giá ngay cả tại những thị trường là bạn hàng nhiều năm của DN. Nỗi lo lớn nhất của nhiều DN khi Việt Nam tham gia các FTA không phải là cạnh tranh về giá hay công nghệ, mà là sự bất lợi hoặc yếu tố “trên trời” của chính sách. Mặc dù đã có nhiều năm bước vào sân chơi hội nhập nhưng có một thực tế là phần lớn DN Việt Nam ở nhiều ngành hàng bị điều tra bán phá giá là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Một rủi ro nữa, đó là DN ký hợp đồng rất sơ sài, và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình, mới chỉ thỏa mãn một số điều khoản cơ bản mà thường bỏ qua những điều khoản phạt hay bồi thường thiệt hại.

Trở lại câu chuyện của các DN tôn, thép. Các thị trường khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang tiêu thụ tới 50% lượng tôn, thép xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ những thị trường này mà nhiều thị trường khác luôn tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các hàng rào phi thuế quan. Nguyên nhân bởi thép là ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển, đồng thời bảo hộ sản xuất. Và biện pháp điều tra áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép nhập khẩu là cách được các nước tích cực áp dụng. Chỉ tính riêng giai đoạn 1994 - 2014, điều tra chống bán phá giá về thép chiếm 29% tổng số vụ kiện chống bán phá giá mà DN Việt Nam phải hứng chịu. Trong 5 năm trở lại đây (2010 - 2015), tại thị trường Mỹ, thép Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tới 5 vụ. Hậu quả là thị trường Mỹ đã lui về xếp gần cuối bảng danh sách các thị trường XK thép của Việt Nam, với mức đóng góp rất mờ nhạt: 2,8% giá trị XK toàn ngành. Tương tự, kể từ sau khi áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép cuộn không gỉ của Việt Nam ở mức 35,6% (từ ngày 10/5/2013 và sẽ kéo dài trong 3 năm), Brazil không còn nằm trong nhóm các thị trường XK của Việt Nam…

Đó là bài học không chỉ riêng của ngành thép mà còn là bài học chung cho nhiều ngành XK khác khi cánh cửa hội nhập đang tiếp tục được mở rộng.