Quốc hội không đồng ý nâng độ tuổi trẻ em lên 18

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có 340/397 đại biểu Quốc hội đồng ý phương án giữ độ tuổi trẻ em dưới 16 như quy định tại Luật hiện hành...

Trước khi biểu quyết toàn bộ Dự Luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng 3 điều: Biểu quyết riêng Điều 5 nguyên tắc bảo đảm quyền và bổn phận của trẻ em; Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm: Điều 78 bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh dự Dự Luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Về tên gọi của Luật, tiếp thu ý kiến của đa số ĐB, thống nhất đổi tên Luật thành Luật trẻ em (lúc đầu là Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)).
Quốc hội không đồng ý nâng độ tuổi trẻ em lên 18 - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong các phiên thảo luận là về độ tuổi trẻ em. Nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (Phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”). Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số đại biểu Quốc hội. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành.

Về quyền và bổn phận của trẻ em, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: Một số ý kiến đề nghị rà soát đầy đủ quyền trẻ em theo quy định của công ước quốc tế để cụ thể hóa trong luật này, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quyền như sau: Bỏ cụm từ “công dân Việt Nam” tại Điều 24 để bảo đảm quyền của trẻ em là người nước ngoài, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam; bổ sung cụm từ “cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em” vào Điều 38 để bảo đảm trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em có bổn phận với cơ sở chăm sóc mình. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, bổ sung Điều 24 và Điều 38 dự thảo Luật.

Về một số ý kiến đề nghị bổ sung các quyền của trẻ em: Quyền được tạo điều kiện để thể hiện năng khiếu, được Nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội tạo điều kiện để phát triển tài năng; quyền được sống trong môi trường công bằng, văn minh, tôn trọng văn hóa truyền thống tốt đẹp và chấp hành pháp luật; quyền sống chung với gia đình; quyền được trợ giúp pháp lý với tư cách một quyền độc lập trong số quyền được bảo vệ của trẻ em cho phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và góp phần bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quyền được phát triển năng khiếu vào Điều 16. Một số quyền khác như quyền trợ giúp pháp lý đã được quy định cụ thể tại Luật trợ giúp pháp lý; quyền được sống chung với cha, mẹ đã được cụ thể hóa tại Điều 22; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha mẹ quy định tại Điều 23 dự thảo Luật này.

Có ý kiến băn khoăn về việc quy định quyền và bổn phận của trẻ em nhưng chưa quy định cơ chế pháp lý thực hiện để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực thi trong cuộc sống. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý khoản 2 Điều 9 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm và phối hợp thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; bổ sung Điều 102 quy định về trách nhiệm quản lý trẻ em và giáo dục trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình để bảo đảm tính khả thi.

Trong vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ em, có ý kiến đề nghị bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản; xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em tại Điều 43. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự Luật đã có quy định việc Nhà nước bảo đảm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi trẻ em tại khoản 2 Điều 43.

Về việc đề nghị bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho các em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐB, đã bổ sung vào khoản này quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi tại khoản 2 Điều 84.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung, điều chỉnh một số vấn đề quan cơ chế phối hợp thực hiện quyền trẻ em; Trách nhiệm của Nhà nước, các bộ ngành, UBND các cấp, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân; Về tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em…