Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội lo Chính phủ chạm ngưỡng nợ nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giải thích về khoản dư nợ Chính phủ lên tới 44% mà Quốc hội cho là nguy hiểm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, mức này vẫn an toàn và có khả năng trả nợ.

KTĐT - Giải thích về khoản dư nợ Chính phủ lên tới 44% mà Quốc hội cho là nguy hiểm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, mức này vẫn an toàn và có khả năng trả nợ.

Thất thu thuế, bội chi cao, dư nợ Chính phủ chạm ngưỡng nguy hiểm là những vấn đề nóng mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trong phiên thảo luận chiều qua 28/10.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu ngân sách năm 2010 tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,5%, bội chi ngân sách 6,5% - khoảng 125,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản tiền bố trí cho các tập đoàn Tổng công ty vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ lo ngại về các mục tiêu trên vì cho rằng chưa sát thực tế và chứa đựng nhiều rủi ro.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Đoàn Tây Ninh cho rằng, báo cáo Chính phủ gửi khá sớm nên các đại biểu có nhiều thời gian xem xét, đánh giá. Về cơ bản, các đại biểu đồng ý với các chỉ tiêu Chính phủ đưa ra, song mức bội chi 6,5% dự kiến cho năm 2010 cần phải xem xét lại. “6,5% là con số khá lớn so với các khoản thu mà chúng ta dự kiến đạt được. Chưa kể năm nào chúng ta cũng bội chi, năm sau cao hơn năm trước tôi e rằng như vậy là không ổn”, ông nói.

Ông dẫn chứng, hiện nay thất thu thuế xuất nhập khẩu qua giá còn nhiều, nhập lậu gia tăng, người dân và doanh nghiệp cũng chưa quen với việc mua hàng phải xuất hóa đơn VAT… “Các khoản thu ngày một giảm nếu đưa ra con số bội chi quá cao như vậy có hợp lý không? Xin hỏi Bộ Tài chính nhiều cửa hàng kinh doanh xe máy đang bán mà không xuất hóa đơn VAT, khoản thuế thất thu này, cơ quan quản lý có biết không, đã kiểm tra chưa và kết quả thế nào”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt câu hỏi.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Châu - Đoàn Quảng Trị và đại biểu Trịnh Tiến Long cũng cho rằng, các khoản chi của Chính phủ còn quá lớn khiến ngân sách rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại vấn đề này, tập trung chi đúng, chi có hiệu quả và tiến tới giảm mục tiêu chi của năm 2010 xuống dưới 6,5%.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Phạm Thị Loan - Đoàn Hà Nội bày tỏ rõ sự lo ngại của mình dưới 3 khía cạnh bội chi cao, khoản chi phát sinh lên tới 50.000 tỷ đồng, và dư nợ Chính phủ tiệm cận ngưỡng mất an toàn với 44%. “Chính phủ nói dư nợ vẫn ở ngưỡng an toàn còn Quốc hội lo lắng và cho rằng đã ở ngưỡng nguy hiểm. Tôi đề nghị Chính phủ giải trình rõ về các khoản dư nợ và khoản chi phát sinh tới 50.000 tỷ đồng trong năm 2009”, bà Loan nói.

Theo bà, các khoản chi thêm này có nằm trong dự toán và được Quốc hội phê duyệt không hay Chính phủ “vung tay quá trán” tự đề xuất tự thực hiện.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, các mục tiêu mà Chính phủ đề ra đã được căn cứ vào các kết quả nghiên cứu, đánh giá của nhiều tổ chức tài chính và các mục tiêu năm trước đã đạt được. Do vậy, mức bội chi đặt ra cho năm 2010 mức 6,5% là hoàn toàn có cơ sở nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa vượt qua khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và nhiều dự án đang cần vốn đầu tư.

Giải thích về khoản dư nợ Chính phủ lên tới 44% mà Quốc hội cho là nguy hiểm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, mức này vẫn an toàn và có khả năng trả nợ. Theo ông, nếu nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế đúng là nợ càng thấp càng tốt, tuy nhiên, muốn đánh giá nguy hiểm hay không nguy hiểm phải nhìn vào nhiều tiêu chí. Các nước trên thế giới có dư nợ vay khá cao, chẳng hạn như Mỹ vào khoảng 90% GDP, Nhật Bản sau khủng hoảng dư nợ lên tới 200%, Đức, Pháp cũng ở ngưỡng 70-80%, con số của Việt Nam 44% như vậy là chưa cao. “Tôi cho rằng dư nợ cao hay thấp không quan trọng, quan trọng là các khoản nợ này có đủ khả năng trả hay không và có lành mạnh không. Dự nợ hiện nay của chúng ta không đáng lo ngại vì chúng ta vẫn có khả năng trả nợ tốt”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Liên quan đến số tiền 50.000 tỷ đồng chi thêm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đây là những khoản chi đột xuất và được xếp vào danh mục “các khoản chi khác” để đối phó với lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh. “Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét”, ông Ninh nói.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2010, Chính phủ dự kiến là 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009, tăng 65.750 tỷ đồng; đạt tỷ lệ động viên 23,6% GDP (từ thuế và phí là 22,2% GDP). Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là mức tăng chưa thật tích cực, vì năm 2010 tình hình kinh tế thế giới phục hồi, nền kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh hơn, các chính sách miễn, giảm và giãn thuế không còn. Do vậy thu ngân sách sẽ tăng, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu…