Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 15/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Cần rõ hơn về quyền công dân

Các ĐBQH đều khẳng định, Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước. Qua 20 năm thực hiện, đất nước đã có nhiều đổi thay trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi sâu sắc và to lớn, nên việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cho phù hợp với thực tế hiện nay là rất cần thiết. 

Về quyền con người và quyền công dân, ĐB Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cho rằng, quyền con người chỉ nên quy định với một điều chung nhất mang tính nguyên tắc, ngoài ra không nên lẫn lộn giữa quyền con người và quyền công dân. Trong quyền công dân nên gắn liền với nghĩa vụ công dân. Đồng thời, ban soạn thảo nên giải thích vì sao không đưa nhóm quyền về chính trị lên trên các nhóm quyền khác.

Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Ảnh 1
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Nam) phát biểu ý kiến.Ảnh: Minh Điền

Cho rằng Dự thảo chưa được đề cập thật đầy đủ quyền con người như Hiến pháp năm 1992 và các Hiến pháp trước đó,  ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cần quy định rõ những quyền của công dân trong thực tế như quyền được tham gia trưng cầu dân ý, quyền được bỏ phiếu trực tiếp bầu Chủ tịch nước, quyền phán quyết đối với những vấn đề quan trọng của đất nước… 

Định hình mô hình chính quyền địa phương

Trong phiên thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là mô hình chính quyền địa phương nên được thể hiện thế nào trong Hiến pháp. ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhận xét, hiện nay quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở ba cấp tương tự như nhau và chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, dẫn đến khó phân định được nhiệm vụ của từng cấp. 

Để khắc phục hạn chế này, sửa đổi Hiến pháp cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. Quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa T.Ư và địa phương theo hướng rõ việc, rõ thẩm quyền. Dự thảo cũng nên làm rõ mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, bởi đây là khu vực hoàn toàn khác nhau nên cần có những đặc thù riêng về bộ máy hành chính cũng như trong quản lý điều hành. Cùng với đó, nhiều ĐB đề xuất, nên xây dựng mô hình chính quyền địa phương trên nguyên tắc bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Theo ĐB Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ), Dự thảo chưa thể hiện được quyền độc tôn của Quốc hội trong lập hiến, lập pháp. Chưa cụ thể hóa được quyền của Quốc hội trong quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Các ĐBQH cũng cho rằng, Hiến pháp không nên quy định "cứng" thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bởi mỗi thời kỳ phát triển, mỗi thành phần kinh tế sẽ có những vai trò nhất định, do đó nên có sự quy định đồng đều. Nhiều ý kiến đề nghị thiết kế một chương riêng về Tòa án và Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, cách chức thẩm phán; bổ sung quy định Nhà nước tiến tới không thu học phí với bậc học mầm non đến THCS; quy định cán bộ chủ chốt không đủ phiếu tín nhiệm thì phải từ chức; xem xét thành lập hội đồng kiểm toán của Quốc hội; nên có chương về chính sách trọng dụng và sử dụng nhân tài…

Ngày mai, 16/11, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về hai dự thảo này.