KTĐT - Bãi nhiệm ông Châu Tế là động thái mới nhất của Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc trong nỗ lực chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục công của nước này.
Quốc hội Trung Quốc bất ngờ cách chức Bộ trưởng Giáo dục và bổ nhiệm một Thứ trưởng vào vị trí này.
Xinhua cho biết, Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định bãi nhiệm đối với ông Châu Tế, Bộ trưởng Giáo dục, trong một cuộc họp ngày 31/10. Xinhua không nêu lý do của việc bãi nhiệm, chỉ nói rằng ông Châu Tế "sẽ đảm nhiệm cương vị mới".
Ông Châu Tế, 63 tuổi, sẽ nghỉ hưu trong hai năm nữa nên không phải là ứng cử viên phù hợp cho một chức vụ mới. Ông Viên Quý Nhân, Thứ trưởng Giáo dục Trung Quốc, sẽ thay vị trí của ông Châu Tế.
Bãi nhiệm ông Châu Tế là động thái mới nhất của Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc trong nỗ lực chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục công của nước này. Trong những năm gần đây, dư luận Trung Quốc ngày càng tỏ ra thất vọng với những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục - như tình trạng đầu tư không đầy đủ cho các trường tiểu học và phổ thông cơ sở, chất lượng đào tạo yếu kém của các trường cao đẳng và đại học.
Mặc dù nhiều căn bệnh của hệ thống giáo dục đã tồn tại trước khi ông Châu Tế nhậm chức cách đây 6 năm, song ông lại gây ra một số vấn đề mới. Khi quốc hội Trung Quốc họp vào năm ngoái để bầu chính phủ mới, ông là bộ trưởng nhận được nhiều phiếu chống nhất.
Quyết định cách chức Bộ trưởng Giáo dục được thông qua hai tuần sau khi Phó bí thư đảng ủy và Hiệu phó của Đại học Vũ Hán bị bắt vì tham nhũng. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới vụ bê bối, song cựu bộ trưởng Giáo dục từng làm việc trong hệ thống giáo dục của thành phố Vũ Hán nhiều năm. Sau đó ông làm thị trưởng thành phố này trong hai năm trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Giáo dục.
Vụ tham nhũng tại Đại học Vũ Hán đã làm lộ ra nhiều vấn đề mà trường đang phải đối mặt. Trung Quốc bắt đầu mở rộng hệ thống trường trung cấp, cao đẳng, đại học từ thập niên 90. Chính phủ đầu tư tiền vào hệ thống giáo dục cao nhằm tạo ra những trường có đẳng cấp thế giới và tạo thêm cơ hội học tập cho các thế hệ sau.
Được sự chấp thuận của chính phủ, Đại học Vũ Hán sáp nhập với ba trường khác vào năm 2000 và nhận 980 triệu nhân dân tệ (120 triệu USD) để xây dựng phòng học, ký túc xá và nhà ở cho các giáo sư. Tuy nhiên, phó bí thư đảng ủy và hiệu phó của trường đã biển thù một phần ngân sách dành cho dự án xây dựng.
Phát biểu với China Newsweek, ông Liu Qun, một thanh tra chống tham nhũng của thành phố Vũ Hán, nói rằng, vụ tham nhũng tại Đại học Vũ Hán chỉ là "một phần nổi của tảng băng lớn". Cảnh sát đã tạm giam người đứng đầu một trường đại học khác tại thành phố Vũ Hán để thẩm vấn. Hiệu trưởng một trường cao đẳng tại thành phố Trạm Giang cũng vừa bị bắt vì các tội liên quan tới kinh tế.