Quốc Oai giữ vững “mặt trận” sản xuất nông nghiệp mùa dịch Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, huyện Quốc Oai đang tích cực giữ vững “mặt trận” sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc kết nối, khơi thông luồng vận chuyển, tiêu thụ nông sản, huyện cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, giữ vững mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong mùa dịch.

Kết nối, khơi thông tiêu thụ
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, sản lượng nhãn năm 2021 của toàn huyện khoảng 4.000 tấn; đàn trâu bò thịt của huyện hiện nay 5.510 con; đàn lợn thịt 37.860 con; đàn gia cầm, thủy cầm thương phẩm 2,26 triệu con; sản lượng trứng 1,05 triệu quả trứng/ngày; diện tích cây ăn quả 1.140ha... Sau khi cân đối với lượng tiêu thụ trong địa phương, từ nay tới cuối năm, trên địa bàn huyện còn dư khoảng 3.210 tấn gạo, 40 tấn thịt lợn, 250 tấn thịt trâu bò; 270 tấn thịt gia cầm; 400 tấn thủy sản; 142 triệu quả trứng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là TP thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt các biện pháp phòng chống dịch khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng dư thừa nông sản cục bộ.
 Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để đảm bảo ổn định sản xuất, ngay sau khi địa bàn huyện xuất hiện ca Covid-19 đầu tiên, huyện đã xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê lượng nông sản trên địa bàn cần tiêu thụ, từ đó có các các giải pháp linh động.
Bên cạnh việc vận động các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ, huyện đã kết nối với Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở Công Thương đưa nông sản tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng lưu động, kêu gọi các quận nội thành… UBND huyện lập chuyên mục kết nối cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản và hàng hóa trên Cổng thông tin điện tử của huyện để người dân, tổ chức, DN tiếp cận, nắm bắt thông tin cung cầu thị trường và trao đổi, mua bán.
Về việc lưu thông tiêu thụ hàng hóa, huyện đứng ra thuê xe vận chuyển nông sản và đề xuất Sở GTVT cấp giấy lưu thông để vận chuyển hàng hóa, nông sản cho Nhân dân.
“Tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện cơ bản không để xảy ra tình trạng nông sản dư thừa. Hiện nay huyện vẫn đang tiếp tục rà soát nông sản ở các địa phương để kết nối tiêu thụ” – Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho hay.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) Trần Hữu Khoa chia sẻ: “Bước vào vụ nhãn năm nay, nỗi lo lớn nhất của người dân xã Đại Thành là việc tiêu thụ,  bởi đây là cây trồng chủ lực của địa phương với sản lượng gần 3.000 tấn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Mặc dù giá cả không được đảm bảo như mọi năm nhưng đến thời điểm này, cơ bản xã đã tiêu thụ được khoảng 40% sản lượng. Hiện nay, việc tiêu thụ vẫn diễn ra ổn định, Nhân dân rất phấn khởi.
Tăng gia sản xuất
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Yên Sơn Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, hiện trên địa bàn xã đang canh tác khoảng 50ha rau màu, trong đó có 22ha rau an toàn với các loại cây trồng chính là mướp, cà, đậu đũa, rau ăn lá… Thời điểm này, các hộ dân đang tập trung làm đất để vào vụ sản xuất mới. Căn cứ vào nhu cầu thị trường dịp cuối năm, địa phương định hướng người dân trồng các loại cây như cà chua, cải bắp, su hào, ngô… Tuy nhiên, TP đang thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt việc đi lại của người dân nên việc mua cây, con giống và vật tư nông nghiệp của người dân gặp trở ngại. Đây cũng là khó khăn chung của nông dân trong giai đoạn hiện nay.
 Hợp tác xã rau an toàn tại xã Cộng Hòa, Quốc Oai
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, sau khi khảo sát và nắm bắt được tình hình, huyện đã thọp bàn và đưa ra phương án hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Một mặt, chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện đẩy mạnh sản xuất một số loại cây giống chất lượng cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng ban chuyên phối hợp cùng các xã thống kê nhu cầu mua cây, con giống của người dân. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hỗ trợ phương tiện để người dân mua và vận chuyển cây, con giống.
Theo ông Phạm Quang Tuấn, dự tính sau giãn cách xã hội và từ nay tới cuối năm nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng cao. Do đó, trong giai đoạn này huyện xác định làm song song 2 nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa đảm bảo duy trì ổn định sản xuất. Trong mọi kịch bản diễn biến dịch Covid-19, yêu cầu phải giữ vững “mặt trận” sản xuất, khởi thông luồng vận chuyển, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, khuyến khích người dân bên cạnh việc tiếp tục thu hoạch nông sản đang tới kỳ, cần tổ chức tái sản xuất đảm bảo lịch thời vụ. Mở rộng diện tích canh tác cây vụ Đông như ngô, khoai tây, đậu tương… Tuy nhiên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đồng thời linh hoạt triển khai các giải pháp tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2021, Quốc Oai phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 4,3%. Trong đó, trồng trọt tăng 0,7%; chăn nuôi tăng 7,6%; thủy sản tăng 3%. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; khai thác lợi thế của địa phương trên cơ sở quy hoạch các khu sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo ổn định sản xuất lúa, tập trung phát triển các sản phẩm cây, con có giá trị, duy trì ổn định trang trại chăn nuôi tập trung, các mô hình thủy sản… tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng các mô hình liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa từng bước gắn với sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản.