KTĐT - Bất chấp việc một số quốc gia châu Âu vừa phát hành thành công trái phiếu Chính phủ, tạp chí Money and Markets vẫn dự báo Bồ Đào Nha, Bỉ, Tây Ban Nha và Italia sẽ nối gót Hy Lạp và Ireland sẽ sụp đổ.
Mặc dù, Lisbon cam đoan về khả năng tự trả nợ mà không cần tới bất cứ sự giúp đỡ tài chính nào từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Qũy tiền tệ thế giới (IMF) nhưng nỗi lo về "hiệu ứng domino" vẫn âm ỉ. Thậm chí, truyền thông Bồ Đào Nha còn cho rằng: "Chỉ có phép màu mới giúp chúng ta tránh được việc phải cầu viện IMF".
Lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở do thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã lên tới gần 10% GDP trong khi quy định trần của EU chỉ là 3%, còn nợ đến hạn phải thanh toán đã lên tới 90% GDP. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm nợ Standard & Poor's vừa tuyên bố sẽ giảm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của Lisbon và Moody's cũng khẳng định sẽ giảm hai bậc tín dụng của Bồ Đào Nha.
Trong khi đó, trái phiếu Hy Lạp vừa bị Fitch hạ xuống dạng không an toàn để đầu tư càng làm dấy lên mối lo ngại các nước châu Âu sẽ không thể phát hành được lượng trái phiếu kỳ vọng để trả nợ. Thậm chí, trong trường hợp phát hành thành công, lãi suất đi vay có thể vượt quá sức chịu đựng của các nước này. Bối cảnh đầy khó khăn trên buộc Bộ trưởng Tài chính 17 nước thuộc khu vực đồng Euro (Eurozone) trong cuộc họp bắt đầu từ hôm 17/1 phải tìm ra được mẫu số chung cho "quy mô cũng như phạm vi" của Qũy bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
Cả Ủy ban châu Âu (EC), ECB và các Bộ trưởng Tài chính đều nhất trí rằng Quỹ bình ổn tài chính cần có nhiều tiền hơn để tăng khả năng đối phó với các rủi ro phát sinh. Tuy nhiên, quy mô tăng đến đâu là một vấn đề tranh cãi, trong khi hầu hết các quốc gia muốn tăng gấp đôi quy mô quỹ 750 tỷ Euro (khoảng 1.000 tỷ USD), thì Đức lại cho rằng chỉ cần tăng 440 tỷ EUR (589 tỷ USD) là hợp lý. Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Schaeuble cũng cho rằng Đức cần thiết phải có một cách tiếp cận "toàn diện" hơn để giúp nền kinh tế hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Cuộc họp đã nhất trí với chính sách giới hạn nợ theo quy định trong hiến pháp Đức nhằm đảm bảo độ an toàn hơn.
Vấn đề quyền hạn của quỹ cứu trợ tài chính cũng trở thành vấn đề trọng tâm của cuộc họp. Theo Pháp, EFSF có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác như mua trái phiếu của các nước trong Eurozone gặp khó khăn tại các thị trường thứ cấp. Các Bộ trưởng cũng thảo luận khả năng hạ thấp lãi suất của gói cứu trợ cho Ai Len và Hy Lạp nhằm giúp hai nước này dễ dàng trả nợ viện trợ khẩn cấp ngay cả khi nền kinh tế của họ đang đi xuống.
Trong khi đó, theo một nhà ngoại giao EU, để tối đa hóa hiệu quả của quỹ giải cứu, nhóm 6 nước khu vực đồng Euro được xếp hạng tín nhiệm AAA gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Luxembourg và Phần Lan đã đạt được một gói biện pháp nhằm cải thiện việc sử dụng các nguồn lực hiện có thay vì bơm thêm tiền cho quỹ, trong đó có các chính sách củng cố tài chính, tăng trưởng và cải cách kinh tế. Vấn đề quy mô EFSF chắc chắn sẽ phải bàn thảo nhiều do quỹ này dù lớn đến đâu cũng không thể cùng lúc cứu được cả Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đúng như Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde nhận định vài trăm triệu Euro là không đủ mà châu Âu cần phải có "một gói có tính toàn cầu".