Quy chế của Trường Đại học Việt-Đức được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bắt đầu khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9/2008, đến nay Trường Đại học Việt - Đức đã bước sang năm hoạt động thứ 2.

KTĐT - Bắt đầu khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9/2008, đến nay Trường Đại học Việt - Đức đã bước sang năm hoạt động thứ 2. Để phù hợp với thực tế hoạt động của ngôi trường được kỳ vọng sẽ nằm trong số 200 trường đại học chất lượng nhất thế giới, Thủ tướng đã quyết định sửa đổi một số điều trong quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường.

Theo Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 13/1/2010 sửa đổi một số Điều của Quy chế tổ chức và hoạt động (cũ) của Trường Đại học Việt - Đức, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của Trường. Hội đồng trường gồm 20 thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm, gồm đại diện Chính phủ, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các doanh nghiệp tiêu biểu.

Cơ cấu thành phần Hội đồng trường sẽ có 10 thành viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đề cử, 10 thành viên do Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Đức đề cử.

Hội đồng trường họp mỗi năm ít nhất một lần. Các cuộc họp của Hội đồng trường được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Những thành viên không thể dự họp vì lý do bất khả kháng có thể cử người đại diện tham dự để tiếp thu nội dung cuộc họp, truyền đạt ý kiến của mình.

Một điểm quy định mới là ở chỗ người đại diện có quyền biểu quyết khi có giấy ủy quyền hợp lệ của thành viên Hội đồng. (Theo quy định cũ thì người đại diện không có quyền biểu quyết).

Bên cạnh đó là việc bổ sung quy định cụ thể đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng trường. Cụ thể, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng trường là thành viên Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định và công nhận. Giúp việc cho Chủ tịch có 2 Phó Chủ tịch gồm 1 Phó Chủ tịch do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định và công nhận, 1 Phó Chủ tịch do Bang Hessen, Đức đề xuất và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Cũng theo quy định mới, nguồn viện trợ của các cơ quan Chính phủ Đức được sử dụng theo sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ.

Trường Đại học Việt - Đức là trường công lập, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được thành lập theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trường được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức.

Được kỳ vọng là trường đại học hàng đầu về chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Đức, hiện nay, 80% đội ngũ giảng viên của Trường đều đã được đào tạo tại Đức hoặc châu Âu. Trường đặt trụ sở chính tại Khu đại học Thủ Đức, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đại học Việt - Đức đã khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 10/9/2008 với 80 học viên cho 2 khoa kỹ thuật xây dựng và điện, điện tử. Trường dự kiến sẽ có 5.000 sinh viên vào năm 2020. Trọng tâm đào tạo của trường là các ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Ở phạm vi nhỏ hơn, trường cũng sẽ mở thêm những ngành đào tạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như các ngành kinh tế. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập tại trường là tiếng Anh, nhưng trong quá trình học tại trường sinh viên cũng được học tiếng Đức song song.

Chiến lược của trường là triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao của Đức trực tiếp tại Việt Nam. Chương trình đào tạo hiện đại, sát thực tế và mối liên kết chặt chẽ của trường với nền kinh tế Đức mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường các cơ hội việc làm tốt trên thị trường lao động.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Đại học Việt - Đức sẽ trở thành 1 trong 200 trường đại học có chất lượng nhất trên thế giới, là biểu tượng của trí tuệ và khát vọng nghiên cứu khoa học. 

Kinh tế đô thị cuối tuần