Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định cần toàn diện để giảm tiêu thụ rượu, bia

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trước thực tế tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức cao và đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe, kinh tế, xã hội, các ĐB cho rằng, việc ban hành Luật là cần thiết. Theo ĐB Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ), nếu so sánh bài toán giữa đóng góp của ngành rượu, bia vào ngân sách với những tổn hại do nó gây ra đối với cá nhân, gia đình và xã hội là không thể bù đắp được. Đồng thời, cũng cần có nguồn kinh phí ổn định, bền vững cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia vì hiện nay, mỗi năm, kinh phí chi cho công tác này chỉ khoảng 200 triệu đồng là quá ít. Về tên gọi của Dự Luật, hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau: Một là đồng tình với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”; hai là đề nghị lấy tên “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn”. Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Trong thực tế, không chỉ có rượu, bia mà còn nhiều loại thức uống có cồn tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Do vậy, tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn sẽ mang tính bao quát hơn.

Cùng với đó, nhiều ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, bổ sung cả nội dung về biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ rượu, bia vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Bởi “cung” và “cầu” có mối quan hệ mật thiết với nhau, nếu chỉ điều chỉnh một vế sẽ không đảm bảo hiệu quả và không thể kiểm soát được tình hình tiêu thụ rượu, bia như mong muốn. ĐB Nguyễn Hữu Chỉnh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, Dự Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ không đạt hiệu quả. Trong khi một số ĐB đề nghị, Dự Luật cần quy định tất cả các điểm bán rượu, bia đều bắt buộc phải trưng bày những sản phẩm rượu, bia không cồn và ít độ cồn để người dân tiếp cận, biết đến và sử dụng, dần thay thế các loại rượu, bia độ cồn cao gây hại cho sức khỏe.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn trước tính khả thi của một số quy định trong Dự Luật liên quan đến cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo rượu, bia để phòng, ngừa giới trẻ tiếp xúc sớm với rượu, bia…

Dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên toàn thể vào ngày 20/11.