Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định cụ thể để tránh chuyển giao công nghệ lạc hậu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, tổ chức, chuyên gia vào Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Nhiều vấn đề trong Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) nhận được sự góp ý của các đại biểu. Trong đó, việc thẩm định công nghệ dự án đầu tư được quy định thành một chương riêng (chương II) được đánh giá là một bước tiến bộ so với Luật năm 2006. Trong đó đã quy định loại dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ, thẩm quyền thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trình tự thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý cho rằng, còn thiếu một nội dung quan trọng là quy định về cơ cấu hội đồng thẩm định và tiêu chuẩn các thành viên hội đồng thẩm định. Nếu không quy định cụ thể thì các hội đồng thẩm định công nghệ sẽ chỉ mang tính chất hình thức, nhất là các hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Đồng thời, nên quy định cho phép thuê chuyên gia quốc tế tham gia hội đồng thẩm định trong trường hợp cần thiết.

Dây chuyền sản xuất máy chế tạo tại Công ty Cơ khí Tam Hợp, huyện Sóc Sơn.  Ảnh: Hải Linh

Để tránh tình trạng chuyển giao những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, các ý kiến cho rằng luật cần những quy định rất cụ thể. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, để kiểm soát, Luật nên quy rõ trách nhiệm trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam của người nhận chuyển giao, cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý Nhà nước.
Các ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cho rằng, nên bổ sung khái niệm về đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Đồng thời, Dự luật có quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành. Như vậy không hạn chế được tình trạng luật khung, luật ống. Đề nghị những điều có thể quy định trong luật thì quy định luôn trong luật, tránh tình trạng phải đợi Thông tư, Nghị định mới có thể thi hành luật.
Chiều cùng ngày, nhiều ý kiến vào Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) cho rằng, việc sửa đổi Luật Du lịch là cần thiết nhằm đáp ứng sự chuyển biến quan trọng của ngành du lịch với nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, nên đưa khách du lịch làm chủ thể trong các quy định từ Khoản 1 đến Khoản 3: Khách du lịch được cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thông tin, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng và tài sản của du khách… Khách du lịch được tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch tiếp nhận kiến nghị kịp thời. Một số ý kiến khác cũng đề xuất làm rõ những quy định về hướng dẫn viên, chính sách phát triển du lịch…