Hiện nay, phần đông chủ cửa hàng kinh doanh đồ cổ không đáp ứng quy định có bằng đại học chuyên ngành. Ảnh: Zing.vn. |
Lại “biến tướng” thuê bằngPGS.TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Ngành buôn bán và giám định cổ vật trở thành ngành “hot” trong vài năm gần đây. Nguyên nhân là bởi, sau nhiều năm thả nổi, thị trường buôn bán cổ vật mỗi người một phách. Có nhiều di vật, cổ vật được đẩy lên “trời” nếu được gắn mác lâu đời, hoặc độ quý hiếm. “Hiện nay, đồ giả cổ rất nhiều, thậm chí tràn lan và “có đồ làm giả hơn thật” – PGS.TS Tống Trung Tín chia sẻ. Lỗi cũng chỉ bởi vì nhiều hội đồng giám định cổ vật còn non kém về chuyên môn. Và lý do chính là những người buôn bán cổ vật đôi khi chỉ học chưa hết phổ thông trung học, việc thẩm định món đồ trao tay bằng mắt thường hoặc bằng kinh nghiệm. Chính vì vậy, sau khi đưa ra những quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, trong đó có quy định chuyên gia giám định cổ vật, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước của ngành văn hóa. Trong đó có điều kiện kinh doanh di vật, cổ vật.Với 142 quy định, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật. Chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long – Hà Nội Đào Phan Long thật sự thấy băn khoăn về quy định này. Vòng quanh các khu chợ đồ cổ ở phố Thụy Khuê, phố Hoàng Hoa Thám hoặc khu chợ Đồ cũ dấu xưa ở Bảo tàng Hà Nội… hỏi về tấm bằng đại học của các chủ cửa hàng buôn đồ cổ ai cũng lắc đầu buồn bã. Một chủ buôn bán đồ cổ ở Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: Chắc có đến 80% chủ cơ sở kinh doanh mặt hàng này không xuất trình được tấm bằng đại học như quy định. Nhiều người có khi chỉ học đến lớp 7 nhưng có đến 20 – 30 năm kinh nghiệm buôn đồ cổ, trường "đời" dạy họ còn hiệu quả hơn gấp 10 lần trường học. Nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 142 sẽ khó để những người 40 đến 50 tuổi đi học lấy bằng, như vậy để đảm bảo đủ điều kiện thì chủ cơ sở chỉ có thể đi… thuê bằng.Vẫn là thuận mua vừa bánGS.TS Lưu Trần Tiêu cũng từng cho rằng tiêu chí “có trình độ đại học trở lên” với thành viên hội đồng giám định cổ vật là máy móc. Bởi vì, giám định cổ vật là lĩnh vực đặc thù, rất cần sự linh động. Nhiều người có bằng cấp nhưng chưa chắc đã thẩm định đúng chất lượng của cổ vật bằng những người có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này. Nói như vậy, thì tấm bằng đại học với chủ cơ sở kinh doanh di vật, cổ vật còn máy móc hơn rất nhiều.Nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) Vương Duy Bảo thẳng thắn bày tỏ: Trong cơ chế thị trường, quy định bằng đại học cho người buôn bán di vật, cổ vật là không cần thiết mà phải trên cơ sở thị trường. “Quy định này vô tình trở thành điều kiện trói buộc trong điều kiện kinh doanh. Trong cơ chế thị trường không nên đặt ra điều kiện về trình độ, người dân có quyền buôn bán những gì Nhà nước không cấm, miễn là không vi phạm pháp luật. Họ muốn mua bán cổ vật thì phải tự đúc kết kinh nghiệm, tự chịu trách nhiệm về việc mua bán của họ” - ông Vương Duy Bảo nêu ý kiến.Nghị định 142 chính thức có hiệu lực vào giữa tháng 10/2018, bên cạnh những ghi nhận về sự tích cực nhằm quản lý các mặt hàng đầu tư kinh doanh của ngành văn hóa, thì rõ ràng riêng trong điều kiện quy định của lĩnh vực buôn bán di vật, cổ vật vẫn còn không thỏa đáng.