* Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc vào 20/5
* Lùi thời gian trình Dự án Luật Biểu tình
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban tán thành quan điểm cần quy định cụ thể hơn trong Dự luật là mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản như nghị quyết, kết luận, báo cáo. Trong đó phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể. Chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về các ý kiến, kiến nghị của mình. Văn bản ý kiến chính thức này phải được cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm bắt buộc thi hành. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực giám sát, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn quy định này.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng cho rằng: Thực tế các cuộc giám sát của Quốc hội đều được các cơ quan khác xem xét quan tâm. Như trước đây, Hội đồng Dân tộc từng có kết luận về những vấn đề giám sát của thủy điện Sơn La. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi đến địa bàn để xem xét những kết luận mà đoàn giám sát nêu. Điều đó chứng tỏ, Chính phủ rất quan tâm đến kết luận của đoàn giám sát. Như vậy mới mang tính chất giám sát của Nhân dân, chứ giám sát không mà không kết luận là không được. Do đó, giám sát xong phải có kiến nghị rõ ràng. Đồng thời, ông Ksor Phước cũng đề xuất, nên khuyến khích đoàn ĐB Quốc hội, cá nhân ĐB Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát. Bởi khi chất vấn tại Quốc hội, ĐB có quyền chất vấn các thành viên của Chính phủ. Vậy tại sao ở địa phương lại không có quyền giám sát? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị: Cần quy định rõ vai trò giám sát của ĐB Quốc hội, vì ĐB là đại diện cho cử tri của khu vực đó. Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị Luật cần làm rõ hiệu lực của giám sát; giám sát tối cao phải ra nghị quyết để yêu cầu các cơ quan khác thực hiện.
Trước đó, sáng 16/3, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần ưu tiên những dự án luật để triển khai thi hành Hiến pháp và có thể làm gọn, dứt điểm trong nhiệm kỳ này chứ không “vắt” sang nhiệm kỳ sau.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong 10 dự án Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, có một dự án xin lùi sang năm 2016 là Luật Biểu tình từ Kỳ họp thứ 9, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 sang Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016); một dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 là Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đối với 8 dự án luật còn lại, có 6 dự án luật đã được Chính phủ thông qua, 2 dự án còn lại đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 2/2015 là Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Luật Phí, lệ phí.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện quy định của Điều 53 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Tuy nhiên, hiện nay, Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh...
Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, dự kiến Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc ngày 20/5 và kéo dài đến 24/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật, một nghị quyết và cho ý kiến vào 15 dự án luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ảnh: TTXVN
|