Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định rõ: “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng do người già không còn minh mẫn, sáng suốt và những người khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, liệt,...) ký kết.

Khi đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết thì chính những người làm công tác xét xử lâu năm cũng gặp lúng túng trong việc công nhận hay hủy bỏ hợp đồng. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 thì người già suy giảm trí nhớ, kém minh mẫn và người khuyết tật không có bất kỳ một hạn chế nào khi tham gia giao kết hợp đồng. Trong Dự thảo lần này đã quy định thêm về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và cơ chế giám hộ cho chủ thể này để đảm bảo sự khách quan, công bằng với những giao dịch hợp đồng. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn cần quy định chi tiết hơn về khái niệm “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

 
Các luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tỉnh Quảng Nam.
Các luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tỉnh Quảng Nam.
Theo khoản 1 Điều 29 Dự thảo: “Người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của họ, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người đó là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Theo quy định này, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người gặp những khuyết tật nhất định về mặt thể chất hoặc có những vấn đề về mặt tinh thần tác động trực tiếp đến việc biểu đạt ý chí chính xác của họ ra bên ngoài. Những người này không rơi vào tình trạng “mất hoàn toàn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi” nên không thể xếp họ vào nhóm chủ thể “mất năng lực hành vi dân sự” theo Điều 27 Dự thảo. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thường tập trung vào nhóm người cao tuổi chủ yếu liên quan đến lý do về tinh thần và người khuyết tật do tình trạng thể chất. Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 thì người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Hầu hết người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần dần nên làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như Parkinson hoặc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, không phải tất cả người cao tuổi đều gặp tình trạng có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Ngược lại, có những người rất cao tuổi nhưng họ lại rất sáng suốt, minh mẫn. Nên việc kết luận một cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải dựa trên kết luận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Nhóm người này được quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự theo quy định của luật hoặc theo quyết định của Tòa án phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 29 Dự thảo).

 Với sự ghi nhận và quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Dự thảo đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên thực tiễn, đặc biệt là trong vấn đề xác lập, thực hiện các hợp đồng. Tuy nhiên, việc quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Dự thảo hiện nay cũng đang bộc lộ một số điểm cần lưu tâm nghiên cứu thêm trước Dự thảo chính thức được thông qua:

Nên quy định chi tiết hơn để nhận diện về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Bản thân người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi họ có năng lực thể hiện ý chí nhưng sự thể hiện này là “khiếm khuyết, không đầy đủ” nên Dự thảo quy định việc giám hộ cho họ. Theo khoản 2 Điều 58 Dự thảo, việc giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được sự đồng ý của họ nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm có yêu cầu. Đây là một quy định không hợp lý. Bởi, rất nhiều người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có tâm lý chung là họ hoàn toàn bình thường, không gặp bất kỳ trở ngại gì với tình trạng hiện tại của họ, nếu có thì đó cũng chỉ là một vài bất tiện không đáng kể. Nên nếu giữ quy định như trong Dự thảo thì một thực trạng trong tương lai hoàn toàn có cơ sở chắc chắn xảy ra là hầu hết những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ từ chối việc giám hộ mặc dù bản thân họ gặp khó khăn thực sự trong nhận thức, biểu đạt ý chí.

Lần đầu tiên trong Dự thảo quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nên có thể đánh giá đây là điểm tiến bộ vượt bậc so với những BLDS trước đó nhưng vì đây là điểm mới nên chắc chắn những quy định trong Dự thảo khó tránh khỏi một vài hạn chế nhất định. Những điểm còn có ý kiến trái chiều khác nhau liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần được xem xét cẩn trọng, thấu đáo hơn trước khi ban hành.