Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch cảnh quan nông thôn: Bài toán nan giải

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh quan nông thôn không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ, mà còn chứa đựng các giá trị về kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

Quy hoạch cảnh quan nông thôn ra sao là bài toán cần được quan tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hệ lụy của sự phát triển

Trên thực tế, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nước ta nói chung, TP Hà Nội nói riêng trong giai đoạn vừa qua chủ yếu mới tập trung vào 3 vấn đề chính là quy hoạch xây dựng, sản xuất và sử dụng đất. Những nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới còn ít được đề cập, có phần bị lãng quên. Hiện tượng làng xóm bị đô thị hóa cứng nhắc theo kiểu đô thị lớn, hoặc miền núi bị đồng bằng hóa đang diễn ra ngày một phổ biến tạo nên những ảnh hưởng thiếu tích cực tới tới cảnh quan, môi trường nông thôn.
 Một tuyến đường ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Lâm Nguyễn
Việc xây dựng và quản lý cảnh quan nông thôn hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của công nghiệp hóa và cơ chế thị trường, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Cấu trúc không gian, cảnh quan môi trường truyền thống không còn phù hợp với trình độ sản xuất và phương thức sinh hoạt.

Không chỉ ở đô thị, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải ở các vùng nông thôn đang ngày một diễn ra phổ biến. Sự phát triển các làng nghề truyền thống, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích ao ngòi, hồ nước và cây xanh giảm dần, đã và đang làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, không gian xây dựng ở nông thôn chưa được người dân quan tâm. Nhà nước hiện cũng chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn, quản lý. Quá trình nâng cấp hạ tầng nhà ở, giao thông tạo nên bức tranh nông thôn chắp vá, đa màu sắc nhưng thiếu ấn tượng.

Bảo đảm tính phù hợp

của quy hoạch

Kiến tạo nên những không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng đối với mục tiêu nâng cao đời sống cho người nông dân, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để từng bước hiện thực hóa được mục tiêu trên, TS Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan (trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng: Các cơ quan chức năng cần sớm rà soát các văn bản quy định cũng như hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng và quản lý cảnh quan nông thôn và nông thôn mới, trên cơ sở đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, quy hoạch lại không gian của thôn, làng bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển.

Cùng chung quan điểm, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Đỗ Khắc Mịch đề xuất: Quá trình lập quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã vốn có trước đây. Căn cứ điều kiện địa lý của từng vùng, mỗi địa phương để lập quy hoạch, xây dựng cảnh quan bảo đảm phù hợp, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch phát triển cũng nhấn mạnh sự cần thiết của xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cảnh quan nông thôn. Xây dựng cảnh quan nông thôn phải được coi là nhiệm vụ của mọi người dân chứ không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ về vốn, quy hoạch, thiết kế các công trình, trong khi, người dân cũng cần tham gia góp vốn, công sức để xây dựng. Có như vậy, công cuộc kiến tạo cảnh quan nông thôn mới thực sự bền vững.