Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch cây xanh nội đô: Gắn với vườn hoa, sân chơi

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã khiến quỹ đất dành cho các công trình công cộng, trong đó có đất làm vườn hoa, sân chơi ngày càng thu hẹp, đặc biệt tại khu vực nội đô.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó gắn quy hoạch cây xanh với xây dựng vườn hoa, sân chơi.
Thiếu những vườn hoa, sân chơi

Khảo sát thực tế tại một số khu nhà tập thể như Trung Liệt (Đống Đa), Quỳnh Mai, 8/3 (Hai Bà Trưng), Thành Công (Ba Đình)... không gian công cộng đều được tận dụng tối đa cho kinh doanh và các hoạt động khác. Trước đây, phần lớn các khu nhà tập thể cũ khi xây dựng đều được thiết kế khu vực sân tập thể để phục vụ cho các hoạt động công cộng. Nhưng đến nay, các sân chơi này nếu không được dùng làm chỗ bán hàng thì lại được tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện giao thông cá nhân.
 Một công viên với hệ thống cây xanh ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Bà Hà Thị Tuyết (trú tại khu tập thể Quỳnh Mai) chia sẻ, khu tập thể có một sân chơi rộng. Trước đây, trẻ em thường tập trung vui chơi và người già cũng có nơi tập thể dục nhưng đến nay chỉ còn một khoảng không rất hẹp. Phần còn lại cư dân sống trong khu tập thể dùng làm nơi gửi xe. “Chúng tôi nếu muốn đi bộ hay thể dục đều phải băng qua phố Kim Ngưu để sang phần vỉa hè bờ sông mới có chỗ” - bà Hà Thị Tuyết nói.

Một thực tế đáng báo động là không chỉ ở những khu tập thể cũ, mà ngay ở những tòa nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng cũng thiếu không gian làm vườn hoa, sân chơi. Các tòa nhà chung cư thậm chí còn được xây dựng trong các tuyến phố, ngõ nhỏ gây ra những áp lực lên hạ tầng. Nhằm tận dụng tối đa diện tích nhỏ của dự án, các chủ đầu tư đã cắt bỏ phần đất cho không gian chung để xây dựng công trình.

Theo khảo sát của Tổ chức TP sống tốt (HealthBridge) Việt Nam, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm vườn hoa - sân chơi chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất.

Tại Báo cáo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đến năm 2030, diện tích bình quân 2,43m2/người cho dân số 1,8 triệu người của năm 2030 thì hiện nay dân số khoảng 3 triệu người, diện tích công viên, vườn hoa trung bình cho trong các quận nội thành chưa đầy 1,2m2/người. Nhưng trên thực tế, theo số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) cho thấy diện tích công viên, vườn hoa hiện nay bình quân chỉ còn 0,9m2/người.

Trong khi đó, khung chính sách cho quy hoạch và quản lý cây xanh - công viên đã hình thành rõ, Hà Nội đã có quy hoạch cây xanh với mục đích phát triển một TP xanh, sạch, giảm mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đối với khu vực nội thành, quy hoạch này có mục tiêu nhằm tạo ra các công viên đô thị đạt diện tích trung bình 3,92m2/người và các vườn hoa ở cấp đơn vị ở đạt 1m2/người.

"Vườn hoa - sân chơi là một tiện ích công cộng không thể thiếu tại mỗi đô thị, đặc biệt là tại đô thị lớn như Hà Nội. Trước thực trạng đất công cộng ngày càng thu hẹp, TP phải có việc làm thiết thực như huy động đất công sử dụng không hiệu quả trong các khu dân cư để làm vườn hoa, sân chơi; xây dựng những tiêu chí về diện tích và tiện ích công cộng, xã hội đến tận cấp xã, phường để làm cơ sở thực hiện." - Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, TS Vũ Thị Vinh


Tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2018; triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 tổ chức hôm 10/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Sau 3 năm triển khai, đến nay, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh. Tới đây, mỗi năm, Hà Nội sẽ trồng thêm 300.000 cây nữa và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trồng thêm 600.000 cây vào năm 2020.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Hiền - Tổ chức HealthBridge Việt Nam, vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư của Hà Nội đang phải đối diện với nhiều vấn đề, đó là sự thu hẹp của diện tích đất công cộng; sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công cộng với việc sử dụng đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; sự cạnh tranh trong sử dụng đất giữa các tiện ích công cộng với nhau. “Hà Nội đang thiếu thông tin hiện trạng đáng tin cậy về hệ thống vườn hoa, sân chơi khu dân cư và về đất công để phục vụ cho mục đích quy hoạch” - chuyên gia Nguyễn Thị Hiền nói.

Tạo cơ chế cho người dân tham gia góp ý quy hoạch

Thời gian gần đây, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách tích cực liên quan đến việc phát triển vườn hoa, sân chơi công cộng. TP đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở QH - KT về địa điểm đầu tư, xây dựng vườn hoa, sân chơi tại 118 phường, xã, thị trấn với tổng diện tích 59ha, bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, TP có trên 200 địa điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, nhưng số lượng vườn hoa - sân chơi tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chiếm số lượng thấp, khoảng 30 địa điểm. Trong khi đó, hệ số giá đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội, đây là những quận có giá đất cao nhất, nên việc đền bù, lấy đất trong khu dân cư cho các công trình công cộng là rất khó khả thi.

Theo KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý về quy hoạch và quản lý đô thị, hướng dẫn lập quy hoạch cây xanh đô thị. Nhưng những hướng dẫn về quy hoạch vườn hoa, sân chơi chưa đủ và vẫn thiếu thực tế, khiến chính quyền các đô thị chưa có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. “Những hạn chế này là do công tác quản lý đất công còn kém hiệu quả, người dân vẫn chưa được tham gia đầy đủ vào công tác đóng góp ý kiến. Đối với các cơ quan quản lý, việc xây dựng những tiêu chí cụ thể về diện tích và những tiện ích tối thiểu cho các khu vực vườn hoa, sân chơi chưa có” - KTS Lê Văn Lân nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải có một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin tích hợp chung để thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin đa ngành một cách thống nhất, trong đó có thông tin về quản lý đất công và vườn hoa, sân chơi. Do thiếu một đơn vị chuyên môn như vậy nên công tác quy hoạch - quản lý sẽ phải đối mặt với việc thiếu thông tin. Trong khi đó, việc phát triển các địa điểm vườn hoa, sân chơi công cộng cần phải có sự ủng hộ, đồng tình từ người dân nhưng do thiếu thông tin cần thiết dẫn đến hệ quả là khi triển khai sẽ gặp những phản hồi tiêu cực.

KTS Trần Tuấn Anh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thủ đô... đã có. Nhưng cần đề cập cụ thể hơn về hạ tầng xã hội, trong đó bao gồm nội dung về vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư. Đặc biệt, trong Luật cần phải có cơ chế để tăng cường sự tương tác, tham gia của người dân trong việc đóng góp ý kiến về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị.

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thị Hiền khuyến nghị, Thủ đô nên xây dựng một chương trình nâng cấp đô thị, trong đó mạng lưới các vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư là một bộ phận không thể tách rời. “Hà Nội đang thực hiện rất tốt chương trình phát triển cây xanh đô thị. Để mở rộng và vận hành tốt hệ thống vườn hoa, sân chơi công cộng, Hà Nội nên gắn chặt quy hoạch về phát triển cây xanh với quy hoạch phát triển vườn hoa, sân chơi. Quy hoạch cây xanh cần được bổ sung nội dung liên quan vườn hoa, sân chơi đến tận cấp đơn vị ở” - chuyên gia Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.