Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới giáo dục

Trung Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên (GV) là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, một trong những vấn đề bất cập nhất hiện nay chính là tình trạng thừa GV nhưng lại thiếu cục bộ và không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giải pháp có tính chất lâu dài là quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo GV phổ thông trên cơ sở đánh giá thực trạng đào tạo GV, dự báo nhu cầu trong tương lai.
 Giáo viên tiếng Anh tại trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng.
Theo PGS.TS Hiền, các cơ sở đào tạo GV thời gian qua đã phát triển nhanh về số lượng, quy mô đào tạo, tuy nhiên, các các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa phát triển tương xứng. Số lượng đào tạo GV lớn, nhưng chất lượng không đồng đều, dẫn tới sinh viên ra trường khó kiếm việc làm hoặc chưa có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục… Để khắc phục tình trạng này, theo PGS.TS Hiền, việc xây dựng quy hoạch hệ thống đào tạo GV trước tiên phải dựa trên kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo GV trên phạm vi cả nước. Công tác dự báo cần đặc biệt quan tâm tới triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sau 2018: Số lượng, cơ cấu GV để đảm trách chương trình, đặc biệt là các môn học mới, các chuyên đề học tập tích hợp. Đồng thời, xây dựng quy hoạch các trường sư phạm theo cấu trúc chức năng, trong đó, tầng đầu tiên là các trường sư phạm quốc gia đóng vai trò đầu tàu, chất lượng cao, hỗ trợ các trường trong hệ thống cùng phát triển. Tầng thứ 2 là các trường sư phạm địa phương, khu vực có vai trò phát triển nguồn nhân lực địa phương, có sự kết nối chặt chẽ với các trường quốc gia và chịu sự quy hoạch chung của hệ thống. Tầng thứ 3, là các khoa sư phạm trong trường ĐH đa ngành, đảm đương trọng trách bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV địa phương dưới sự hỗ trợ giám sát về mặt chuyên môn của các trường sư phạm.

Bên cạnh đó, quy hoạch hợp lý hệ thống đào tạo GV cần thực hiện đồng bộ với điều chỉnh chính sách, xây dựng các quy chuẩn về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, GV, cán bộ quản lý, tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường sư phạm. Từ đó góp phần vận hành hiệu quả hệ thống các trường sư phạm trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thừa, thiếu GV, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới.