Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch không gian đô thị: Chủ động cho tình huống rủi ro

Thu Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để một đô thị phát triển, các không gian được quy hoạch quy mô, hiện đại là rất cần thiết. Tuy nhiên, đó sẽ là một đô thị thông minh, bền vững hơn khi chuẩn bị sẵn không gian dự trữ, sử dụng linh hoạt khi gặp các rủi ro thiên tai, hay dịch bệnh quy mô lớn. Việc thiết kế và xây dựng bệnh viện dã chiến ngay các địa điểm thuận lợi có sẵn để phòng chống dịch Covid-19 tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã và đang thực hiện là minh chứng cho việc các không gian đô thị được chia sẻ hiệu quả.

 Phối cảnh phương án kiến trúc bệnh viện dã chiến tại Sân vận động Mỹ Đình được giải xuất sắc Cuộc thi thiết kế “Ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến”.

Cần sớm có hướng dẫn thống nhất
Ngay từ thời gian đầu dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội vào tháng 4/2020, Chính phủ đã đưa ra phương án dự trù cho bùng phát dịch lên đến 3.000 bệnh nhân, khi đó các bệnh viện đã xây dựng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh nhân. Do đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng biên soạn Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm (Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 8/4/2020 của Văn phòng Chính phủ).
Bệnh viện dã chiến cũng có rất nhiều loại hình, hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu đề bài đặt ra: Chức năng, nhiệm vụ, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, thời bình, thời chiến, thiên tai, thảm họa, vị trí, địa hình. Tuy là bệnh viện dã chiến nhưng vẫn phải tạo ra tính đồng bộ, liên hoàn, hợp lý (mặt bằng công năng) đảm bảo cho chức năng hoạt động của bệnh viện. Bên cạnh đó, những vấn đề rất quan trọng như năng lượng, nguồn nước và xử lý môi trường… cần được quan tâm trong thiết kế bệnh viện dã chiến hiện nay.
Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, Thiếu tướng - PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn
Cụ thể, lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm, nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Trước sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tại Đà Nẵng trong những ngày gần đây, TP này đã khẩn trương triển khai lắp đặt hai bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Trước đó, ở giai đoạn đầu của dịch, Hà Nội cũng đã triển khai nhanh chóng bệnh viện dã chiến Mê Linh trên hiện trạng cơ sở cũ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh không còn sử dụng. Từ những hoạt động này có thể thấy, đại dịch giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về phát triển không gian đô thị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để có những cơ sở điều trị và chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cũng như tái thiết môi trường sống bền vững hơn cho con người trong tương lai, không chỉ là không gian được bố trí hợp lý mà rất cần có những chuẩn chung trong thiết kế, xây dựng. Do vậy, Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến để các địa phương áp dụng trong trường hợp chống dịch khẩn cấp. Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc chọn địa điểm xây dựng bệnh viện dã chiến đáp ứng yêu cầu về diện tích đất, hạ tầng kỹ thuật, sơ đồ công năng. Đồng thời hướng dẫn thi công lắp đặt, thiết kế hệ thống kỹ thuật của bệnh viện dã chiến.
Cận cảnh bệnh viện dã chiến chống Covid-19 tại Cung Thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Hà Nam
Linh hoạt lựa chọn địa điểm
Nhằm phát huy các ý tưởng sáng tạo của giới kiến trúc sư trong thiết kế bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cuộc thi thiết kế “Ý tưởng kiến trúc bệnh viện dã chiến” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức vào tháng 4/2020 đã nhận được nhiều ý tưởng khả thi. Trong đó, nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đưa ra ý tưởng sử dụng không gian của Sân vận động Mỹ Đình để thiết kế bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Phương án này đã được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao và chấm giải xuất sắc.
Trong tình huống bùng phát dịch ngay giữa trung tâm TP Hà Nội, KTS Phạm Trung Hiếu, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phương án chọn cách chia sẻ không gian Sân vận động Mỹ Đình để làm bệnh viện dã chiến là hoàn toàn phù hợp. “Chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc tìm được khu đất để xây dựng bệnh viện dã chiến có diện tích tối thiểu là 10.000m2, lại đảm bảo được yếu tố cách xa khu dân cư 500m tại trung tâm TP. Còn các công trình có sẵn như trường học, nhà văn hóa... đều được xây dựng để phục vụ các nhu cầu khác nhau, với không gian được thiết kế đặc trưng. Việc chuyển đổi công năng, từ một công trình có sẵn thành bệnh viện dã chiến sẽ khó đảm bảo các yếu tố về yêu cầu thiết kế bệnh viện. Do đó, việc tận dụng cơ sở của Sân vận động Mỹ Đình có không gian đáp ứng được quy mô 500 giường, xây dựng nhanh với giá thành tiết kiệm nhất” – KTS Phạm Trung Hiếu nhìn nhận.
Theo tác giả Nguyễn Đăng Hải, có nhiều lý do để nhóm lựa chọn Sân vận động Mỹ Đình để thiết kế bệnh viện dã chiến. Với tổng diện tích là 17,2ha, phần sân cỏ thi đấu có đủ không gian và độ ổn định nền móng đáp ứng được yêu cầu của bệnh viện dã chiến và nơi tập trung người cho các dịch bệnh, thảm họa khác. Sân vận động được thiết kế và quy hoạch giao thông phân chia luồng rõ ràng, sức chứa lớn, các khu vực phụ trợ và hệ thống mạng lưới điện nước để phục vụ nhu cầu cấp quốc gia. Trong bán kính 500m không có dân cư sinh sống. Dây chuyền bệnh viện dã chiến mà WHO khuyến cáo, hoàn toàn phù hợp để thích ứng với quy mô Sân vận động Mỹ Đình.
Việc thiết kế và xây dựng một bệnh viện dã chiến tại Việt Nam, trong các trường hợp cấp bách, là vô cùng cần thiết. Chúng ta không thể áp dụng một mô hình bệnh viện dã chiến của bất kỳ nước nào khác, khi mà điều kiện tự nhiên của mỗi quốc gia là rất khác biệt. Mỗi phương án xây dựng cần được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở và phân tích khoa học, để đưa ra một thiết kế bệnh viện dã chiến tối ưu, phù hợp nhất trong một không gian đô thị linh hoạt nhưng đảm bảo an toàn.